Cả thế giới đang hướng về chiến dịch giải cứu 12 cậu bé trong đội bóng thiếu niên và huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang, Thái Lan với chung một mong mỏi tất cả sẽ thoát nạn về nhà. Nếu chiến dịch thành công, đây sẽ là sứ mệnh giải cứu hang sâu mới nhất kết thúc có hậu.
Chiến dịch vĩ đại
Thám hiểm hang động là một môn thể thao bắt đầu tại quần đảo Anh vào cuối thế kỷ XIX. Những câu lạc bộ thám hiểm hang động đầu tiên được thành lập tại Anh vào những năm 1920 và 1930 theo Hội đồng Giải cứu hang động Anh (BCRC). Hiện nhiều thợ lặn của hội đồng lâu đời này đang tham gia nỗ lực giải cứu tại Thái Lan.
Năm 2014, phải cần tới 728 người để cứu nhà vật lý Johann Westhauser bị đá rơi trúng đầu khi đang thám hiểm hang động Riesending (Đức). Với biệt danh "Everest trong lòng đất", hang động này vốn chẳng xa lạ với nhà thám hiểm thuộc nhóm phát hiện ra nó năm 1995. Ông Westhauser còn giúp lập bản đồ độ sâu của hang động kéo dài gần 20 km này và thích thú trở lại nhiều lần. Tuy nhiên, chuyến thám hiểm vào tháng 6-2014 của người đàn ông 52 tuổi cùng 2 đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm đã gặp sự cố.
Bị đá gây vết thương nghiêm trọng trên đầu, ông Westhauser mắc kẹt ở độ sâu hơn 1 km trong lòng đất. Mất hơn 10 giờ, đồng nghiệp của ông Westhauser phải lội ngược hang lên mặt đất để cầu cứu. Cơ quan Cứu hộ núi Bavaria tức tốc tới hiện trường và sớm vỡ lẽ rằng tình thế vượt ngoài kinh nghiệm thông thường của họ: cuộc giải cứu không phải từ trên một đỉnh núi mà từ dưới hang sâu trong lòng đất. Về mặt phức tạp, nó tương đương một sứ mệnh giải cứu từ đỉnh Everest.
Trước tiên, cấp thiết hơn cả là phải trợ giúp y tế cho nạn nhân đang kẹt sâu trong lòng đất. Các nhân viên cứu hộ đã tới được chỗ của ông Westhauser nhưng các bác sĩ buộc phải quay ra giữa chừng vì lối đi trong quá hung hiểm. Vết thương của nạn nhân nghiêm trọng đến mức ông không thể di chuyển.
Các đội cứu hộ hang động chuyên biệt bắt đầu đổ về từ Thụy Sĩ, Ý và Áo. Lối vào hang Riesending nằm ở độ cao hơn 1,8 km trên núi Bavarian Alps và các vật dụng phải thả xuống hang bằng dây thừng từ trực thăng.
Lực lượng cứu hộ đưa nhà thám hiểm hang động Johann Westhauser ra khỏi hang và chuẩn bị đưa lên trực thăng tới bệnh viện. Ảnh: AP
Bốn ngày sau tai nạn, 1 bác sĩ đã tới được chỗ ông Westhauser. Tình trạng của nhà thám hiểm không quá bi quan như đánh giá ban đầu và chiến dịch đưa ông ra ngoài có thể bắt đầu. Khoảng 100 người chia ra thành các nhóm đưa người bị thương vượt quãng đường 4,8 km dọc theo hàng loạt đường hầm ngoằn ngoèo lởm chởm đá nhọn. Họ phải băng qua hố trũng và thác nước trong hang, vật vã trong cái lạnh rợn người của gió thốc và nhiệt độ 3 độ C.
Nạn nhân bị chấn thương sọ não, thông thường cần phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện. Thay vào đó, ông đang bị buộc vào cáng, bọc trong túi ngủ và các tấm xốp cách nhiệt để chống chọi với lạnh giá. Lẽ ra bệnh nhân cũng phải được giữ bất động hết mức có thể nhưng các nhân viên cứu hộ không tránh khỏi những lúc phải nghiêng cáng đưa ông qua những khe hẹp.
Ở những khúc hang dựng đứng, họ phải kéo nhà thám hiểm gặp nạn lên bằng dây thừng, tự tạo một hệ thống ròng rọc thủ công dùng chính sức nặng của các nhân viên cứu hộ để cân bằng với trọng lượng của bệnh nhân. Đối phó với nguy cơ xuất huyết có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân bất cứ lúc nào, các bác sĩ thường trực giữ khoan chuyên dụng sẵn sàng để khoan vào hộp sọ ông ta trong trường hợp khẩn cấp.
Hạnh phúc vỡ òa
Cuối cùng, sau hơn 11 ngày dưới lòng đất, ông Westhauser đã được đưa lên mặt đất và tới cấp cứu tại phòng khám gần đó. Như một phép mầu, ông đã sống sót và hồi phục dù bị xuất huyết não. "Khi nghe thấy chiến dịch giải cứu thành công, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, cả những người đàn ông cũng khóc. Ai cũng mừng khôn tả" - Sabine Zimmerebner, một nữ giáo viên mầm non và cũng là một người ham mê hang động từ Áo tham gia vào cuộc giải cứu, nói.
Niềm hạnh phúc vỡ òa cũng là cảm xúc lan tỏa khi nhân viên cứu hộ tiếp cận được với 7 nhà thám hiểm mắc kẹt 10 ngày trong hệ thống hang ở Vitarelles, Tây Nam nước Pháp hồi tháng 11-1999. Họ đều là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực khám phá hang động. Thế nhưng, một cơn bão lớn đã gây ngập lụt bên trong và chặn lối ra. Các chuyên gia buộc phải khoan xuống lòng đất, xuyên qua những vách đá để tìm kiếm 7 nhà thám hiểm. Cuối cùng, đội cứu hộ đã xác định vị trí của những người này và tiến hành thành công cuộc giải cứu.
Trong khi đó, tự tử là điều mà huấn luyện viên lặn Gustavo Badillo đã nghĩ tới trong ngày thứ hai bị mắc kẹt trong một hang ngầm tối đen ở Venezuela năm 1992. "Tôi ở đây và vẫn còn sống" - người đàn ông 31 tuổi hét lên trong bóng tối nhưng không ai đáp lời. Rất may, sau đó, 2 thợ lặn người Mỹ đã vào hang và đưa nạn nhân sống sót ra ngoài sau 36 giờ mắc kẹt.
Từ chối giải cứu
Năm 2004, khi 6 người đàn ông nước Anh tham gia một nhóm thám hiểm khám phá hang Cuetzalan ở Mexico, họ định 36 giờ sau sẽ quay ra. Tuy nhiên, nước lụt đã khiến cả nhóm mắc kẹt hơn 1 tuần. Họ từ chối các đề nghị trợ giúp từ địa phương và đợi các thợ lặn chuyên nghiệp của Anh bay tới Mexico để đưa họ ra ngoài.
Cuộc giải cứu cuối cùng cũng diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, việc 5 trong số 6 người này là binh sĩ khiến Tổng thống Mexico lúc đó - ông Vicente Fox - đã yêu cầu phía Anh giải thích mục đích của chuyến đi. Bộ Quốc phòng Anh khẳng định chuyến đi hoàn toàn mang mục đích thể thao, không liên quan tới quân sự. Song, một số tờ báo Mexico lúc đó cho rằng 6 người đàn ông Anh có thể đang tìm kiếm các nguyên liệu để làm vũ khí hạt nhân.