Mùa ĐHĐCĐ thường niên của các ngân hàng sẽ bắt đầu từ cuối tháng này. Các nội dung tờ trình đến nay vẫn chưa được công bố, nhưng phương án tăng vốn vẫn sẽ là một trong những tâm điểm chính của mùa đại hội, cũng là như một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các ngân hàng trong năm nay.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's, hầu hết các ngân hàng Việt vẫn sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel II, chuẩn bị có hiệu lực từ năm 2020. Do đó, việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là tâm điểm chú ý của các ngân hàng trong năm 2019, bởi thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển.
Trong đó, thương vụ bán vốn của BIDV cho đối tác KEB Hana (Hàn Quốc) đang rất được thị trường chờ đợi. Năm 2018, ngân hàng này đã xin ý kiến cổ đông về việc chào bán và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là KEB Hana với 17,65% vốn điều lệ hiện tại, tương đương 15% vốn sau phát hành. Sở dĩ thương vụ này rất được chờ đợi, bởi không chỉ giải quyết vấn đề tăng vốn cấp bách hiện nay, thương vụ này được cho rằng sẽ mang lại cho BIDV nhiều hơn thế.
Trong một báo cáo mới đây, chứng khoán Rồng Việt VDSC cho rằng, việc chuẩn bị cho đợt phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank trở thành cổ đông chiến lược của BIDV là tín hiệu tích cực để giải tỏa cho áp lực tăng vốn cũng như nâng cao khả năng quản lý hiệu quả khi ngân hàng Hàn Quốc này tham gia vào việc quản trị của BIDV.
Bởi KEB Hana bank có nhiều lợi thế khi đây là thành viên của tập đoàn tài chính Hana (Hana Financial Group) – một trong các tập đoàn tài chính lớn nhất châu Á cung cấp toàn diện đầy đủ các hoạt động tài chính. Tổ chức tài chính này là kết quả của thương vụ M&A lớn nhất ngành ngân hàng Hàn Quốc bằng việc sáp nhập giữa Ngân hàng Hana và Ngân hàng Hối đoái Hàn Quốc (Korea Exchange Bank ). Năm 2018, KEB Hana Bank được công nhận là Ngân hàng bán lẻ tốt nhất tại Hàn Quốc – đây cũng là định hướng chiến lược phát triển của BIDV. Ngoài ra, tập đoàn Hana đã liên doanh cùng SK Telecom thành lập nên Finnq, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính di động.
Với sự tham gia của cổ đông chiến lược này, theo VDSC, BIDV có thể có thêm lợi thế trong việc khai thác phân khúc bán lẻ, nhất là thông qua lĩnh vực fintech và digital banking. Thêm vào đó, xu hướng nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam đang dồi dào cũng như số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam tăng lên sẽ là tiềm năng mở rộng thu nhập của BIDV.
BIDV vẫn đang tiếp tục mở rộng sang các phân khúc bán lẻ và SME, mặc dù, theo phân tích của VDSC, tốc độc mở rộng đang chậm lại cũng như áp lực huy động vốn đang khiến nhà băng này gặp khó khăn trong cải thiện biên lãi ròng. Do đó, nếu bán vốn thành công cho KEB Hana bank, ngân hàng có khả năng giải tỏa các áp lực hiện tại và nâng cao sức cạnh tranh trong phân khúc bán lẻ và SME.