Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng 7/4, giá dầu WTI tăng 0,52 USD/thùng tương ứng 1,99% lên 26,60 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,06 USD/thùng tương ứng 3,11% xuống còn 33,05 USD/thùng.
Trong diễn biến trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/3, Giá dầu WTI từ 26,34 USD/thùng đầu phiên, sau đó giảm xuống 26,08 USD/thùng vào cuối phiên. Trái ngược với dầu Brent, từ 31,76 USD/thùng đầu phiên, tăng vọt lên 34,11 USD/thùng vào cuối phiên.
Được biết, vào ngày 6/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo, nếu giá dầu vẫn giữ mức thấp như hiện tại thì Mỹ sẽ đánh thuế nhập khẩu rất nặng lên mặt hàng này.
Theo thông tin từ đài CNN, hiện tại, lượng tồn kho dầu thô tại Mỹ đang tăng nhanh với 13,8 triệu thùng, đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2016. Giới chuyên gia dự báo, nếu giữa Nga và Ả Rập Xê Út không đạt được thỏa thuận, rất có thể sẽ xảy ra một cuộc xung đột dầu mỏ chưa từng có trong lịch sử kéo giá xăng dầu xuống mức âm...
Minh chứng là trong hơn 2 tuần gần đây, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, thị trường xăng dầu trở nên vô cùng ảm đạm khi liên tục ghi nhận sự "trượt giá". Thậm chí nhiều chuyên gia dự báo, giá dầu thô có thể về mốc "0" do lượng cung đang vượt ngoài khả năng dự trữ, trong khi lượng cầu sụt giảm quá nhanh.
Tuy nhiên, khi kết thúc phiên giao dịch ngày 2/4, giá dầu WTI bất ngờ tăng vọt 5,01 USD (tương đương 24,7%) lên 25,32 USD / thùng. Dầu Brent cũng tăng thêm 5,20 USD (tương đương 21%) lên 29,94 USD/thùng. Đến hôm nay (3/4), giá dầu WTI ghi nhận mức tăng 0,7% lên 25,8 USD/thùng, dầu Brent tăng 0,4% lên 29,5 USD/thùng.
Đánh giá về mức tăng trên, đài CNN nhận định, sau khi Tổng thống Donald Trump lên tiếng về việc Ả Rập Xê Út đang chuẩn bị một cuộc họp "khẩn cấp" giữa OPEC, Nga và một số quốc gia khác để khôi phục "cân bằng" cho thị trường dầu mỏ, lập tức, trong ngày 2/4 giá dầu của Mỹ tăng vọt tới 35% lên 27,39 USD/thùng.
Xác nhận trên đài CNBC, ông Trump cho biết đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Nga Putin và Thái tử Ả Rập Xê Út về việc 2 quốc gia này cắt giảm sản lượng dầu từ 10 tới 15 triệu thùng.
Tuy nhiên, hiện tại, cuộc họp trên đã bị hoãn lại và chuyển sang ngày thứ 5 (9/4). Ngoài ra, phía Nga Và Ả Rập Xê Út đang căng thẳng, không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng cũng là một phần nguyên nhân khiến giá xăng dầu thế giới tiếp tục "nhảy múa".
Theo giới chuyên gia đánh giá, việc giá dầu giảm phản ánh tình trạng các nhà đầu tư cảm thấy bi quan về cuộc họp bàn giải pháp trong cuộc chiến về giá dầu giữa Nga Và Ả Rập Xê Út.
Tại Việt Nam, trong phiên điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu ngày 29/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định, xăng RON 95 - III giảm 4.252 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 4.100 đồng/lít. Như vậy, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 11.956 đồng/lít và 12.560 đồng/lít với xăng RON 95.
Cũng trong kỳ điều chỉnh ngày 29/3, giá các loại dầu đều được điều chỉnh giảm mạnh. Cụ thể, dầu diesel giảm 1.776 đồng/lít; dầu hỏa giảm 2.705 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.048 đồng/kg.
Sau khi giảm, giá tối đa với mặt hàng dầu diesel là 11.259 đồng/lít; dầu hỏa là 9.141 đồng/lít và dầu mazut là 9.453 đồng/kg.