Nhu cầu tiếp tục tăng
Bất chấp những lo ngại ngày càng gia tăng về sự suy giảm kinh tế toàn cầu, nguồn cung dầu diesel vẫn tiếp tục là một mối quan tâm của nhiều quốc gia và thậm chí, tình hình về nguồn cung có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa so với hiện tại.
Trong chuyên mục đầu tư dầu mới nhất của mình, John Kemp của Reuters đã viết rằng các quỹ đầu cơ và các nhà giao dịch khác đã mua các hợp đồng dầu diesel với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2020, thêm vào khối lượng tương đương 9 triệu thùng dầu vào số lượng mà họ nắm giữ.
Trong khi đó, Bloomberg đã báo cáo rằng nhu cầu đối với dầu diesel của Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 5 năm và nó có thể còn tăng cao hơn nữa khi bước vào mùa đông. Xuất khẩu dầu diesel của Mỹ cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng trước, trong đó Nam Mỹ và Châu Âu chiếm phần lớn trong việc mua các mặt hàng xuất khẩu này.
Trong một diễn biến khác, Ấn Độ đã áp đặt các giới hạn đối với xuất khẩu dầu diesel của họ để đảm bảo an ninh năng lượng cho thị trường nội địa. Hơn nữa, dầu diesel của Nga đang bị châu Âu "tẩy chay" vì các lệnh trừng phạt, mặc dù lệnh cấm vận nhiên liệu đối với Nga chỉ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Thiếu hụt dầu diesel không hẳn là một vấn đề mới, nhưng nó đang ngày càng thu hút nhiều sự chú ý.
"Các Chính phủ hiểu rất rõ ràng rằng có một mối liên kết rõ ràng giữa dầu diesel và GDP, bởi vì hầu hết mọi thứ đi vào và ra khỏi nhà máy đều sử dụng dầu diesel". Giám đốc cấp cao của Hiệp hội các nhà lọc dầu châu Âu cho biết điều này vào tháng 3, ngay sau khi EU bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Nga là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất của EU, với số lượng khoảng 750.000 thùng mỗi ngày để cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp nặng, vận tải hàng hóa và một loạt các ngành công nghiệp khác, làm nền tảng cho nền kinh tế của khối.
Tuy nhiên ngoài các yếu tố như lệnh trừng phạt, thị trường dầu diesel dường như đã trải qua điều tương tự như thị trường dầu thô đã trải qua. Đó là nhu cầu phục hồi nhanh hơn nhiều so với sự tăng trưởng về nguồn cung.
Sự tăng trưởng nhu cầu này đã giảm kì vọng trong thời gian gần đây, với báo cáo của Kemp vào tháng trước rằng sự suy giảm trong bối cảnh ngân hàng trung ương tăng lãi suất và lạm phát đã cản lại nhu cầu dầu diesel trở nên mạnh mẽ. Giá dầu sau đó đã giảm, tuy nhiên có vẻ đây chỉ là tạm thời và nhu cầu đối với nhiên liệu vận tải công nghiệp một lần nữa đang trên đà phát triển trở lại.
Ảnh minh họa
Những vấn đề tiềm tàng khác
Mặt khác, nhà phân tích thị trường của Reuters lưu ý rằng tồn kho dầu thô của Mỹ không phục hồi bất chấp lạm phát trong giá nhiên liệu, điều này có nghĩa là thị trường nhiên liệu thắt chặt và mức giá cao có thể sẽ tiếp tục trong năm tới.
Trong tuần này, Bộ Năng lượng Mỹ đã báo cáo rằng tồn kho dầu trong kho dự trữ dầu chiến lược đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 xuống còn 469,9 triệu thùng.
Trong khi đó, ở một số nước châu Phi, tình trạng thiếu dầu diesel cho ô tô là một thực tế và đang dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau. Tại Cộng hòa Trung Phi, các tổ chức nhân đạo đã phải giảm hoạt động vì tình trạng thiếu hụt dầu diesel.
Và không chỉ châu Phi, tại Brazil, công ty dầu khí nhà nước Petrobras đã cảnh báo Chính phủ vào tuần trước rằng tình trạng thiếu hụt dầu diesel có thể đang diễn ra trên khắp đất nước trừ khi Petrobras được phép bán nhiên liệu theo giá thị trường.
Ở châu Âu, những người mua nhiên liệu đang tranh giành để đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu trước khi lệnh cấm vận đối với các thùng dầu của Nga có hiệu lực vào tháng 12 tới đây, với nhiều người thừa nhận rằng tình hình sẽ rất khó khăn trong năm tới.
Trong khi đó, Mỹ cần cân bằng nhu cầu dầu diesel trong nước với nhu cầu quốc tế, đây có thể là một thách thức, với việc dự trữ dầu diesel và các sản phẩm chưng cất từ dầu khác giảm trong năm nay.
Nhu cầu dầu diesel của Mỹ tăng vào mùa thu khi ở Trung Tây bắt đầu vụ mùa thu hoạch. Điều đó có nghĩa là có thể có ít dầu diesel hơn để xuất khẩu. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nguồn cung ở các khu vực khác trên thế giới và dẫn đến giá cao hơn ngay cả với kỳ vọng kinh tế tiếp tục suy thoái.
Tham khảo: Oilprice, Reuters