Sa lầy trong khủng hoảng
Cô Rania Mustafa, 40 tuổi, ở Tripoli, thành phố lớn thứ hai của Lebanon sau Beirut, nói: "Tôi không biết chúng tôi phải tiếp tục sống ra sao".
Phòng khách của Mustafa gợi lại một quá khứ không xa. Khi ấy, mức lương khiêm tốn của một nhân viên bảo vệ cũng có thể mua được máy lạnh, đồ nội thất sang trọng và một chiếc TV màn hình phẳng.
Nhưng khi cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn, cô đã bị mất việc và tài khoản tiết kiệm theo đó cũng dần "bốc hơi". Giờ đây, cô có dự định bán bớt đồ đạc để trả tiền thuê nhà, xoay sở mua thức ăn hoặc tiết kiệm điện để dành tiền cho những công việc cấp thiết khác.
Lebanon là một quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông, nằm sát biển Địa Trung Hải rơi vào cơn khủng hoảng tài chính mà Ngân hàng Thế giới đánh giá là tồi tệ nhất thế giới từ thập niên 1800. Những chính sách sai lầm của chính phủ đưa tỷ lệ nợ công lên cao chưa từng có, lạm phát phi mã, dự trữ ngoại hối bốc hơi chóng mặt và đồng nội tệ trượt giá sâu.
Kể từ mùa thu năm 2019, đồng Lebanon đã mất 90% giá trị. Lạm phát hàng năm là 84,9% trong năm 2020. Giá hàng hoá theo đó cũng tăng chóng mặt.
Vụ nổ lớn ở cảng Beirut khiến hàng trăm người thiệt mạng và biến một vùng rộng lớn của thủ đô thành đống hoang tàn. Thảm hoạ này càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế vốn đã kéo dài dai dẳng.
Nhiều năm chìm trong tham nhũng và chính sách không hiệu quả đã khiến nhà nước lâm cảnh nợ nần chồng chất. Ngân hàng trung ương không thể duy trì nguồn tiền do dòng tiền đổ vào nước này sụt giảm. Nền kinh tế tụt đáy, để lại hậu quả là tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men.
Đời sống người dân rơi vào cảnh "tăm tối"
Những người Lebanon giàu có nhất cũng phải cắt thịt khỏi khẩu phần ăn. Họ cũng phải xếp hàng dài để chờ đổ xăng và đổ mồ hôi trong những đêm hè oi ả vì bị cắt điện kéo dài.
Những đốm sáng le lói trong một khu phố ở Tripoli cho thấy những người đủ khả năng để sử dụng máy phát điện. Ảnh: NYT.
Lebanon từ lâu đã phải chịu đựng tình trạng thiếu điện, hậu quả của việc không đảm bảo được các dịch vụ cơ bản. Để bù đắp nguồn điện bị thiếu, người dân tự dùng máy phát điện chạy bằng dầu diesel.
Nhưng tiền tệ trượt giá đã phá huỷ hệ thống chắp vá đó.
Do việc cắt điện thường kéo dài từ vài giờ đến cả ngày, nhu cầu năng lượng từ máy phát điện tăng lên, kéo theo giá nhiên liệu tăng. Kết quả là một tiện ích thiết yếu cho việc kinh doanh, y tế và nhiều hoạt động khác trở thành một điều xa xỉ mà nhiều gia đình chỉ có thể mua với số lượng hạn chế.
Trên khắp Lebanon, tình trạng thiếu điện đã dẫn đến việc các tài xế xếp hàng dài tại các trạm xăng. Họ chờ hàng tiếng đồng hồ chỉ để mua được vài lít xăng, hoặc thậm chí không mua được gì.
Điện trở thành thứ xa xỉ đối với người dân Lebanon. Ảnh: NYT.
Các trạm xăng thường cạn kiệt khién việc chờ đợi hàng giờ trở nên vô ích. Ảnh: NYT.
Việc cung cấp thuốc men cũng trở nên khó khăn hơn. Nhà nước cho biết sẽ trợ cấp cho hàng nhập khẩu, nhưng cuộc khủng hoảng đã khiến hệ thống trở nên căng thẳng.
Tại một hiệu thuốc ở Tripoli, một hàng dài người từ vỉa hè đến quầy thu ngân chờ đợi tìm mua các loại thuốc vốn dễ kiếm nay trở nên khan hiếm, chẳng hạn như thuốc giảm đau và thuốc huyết áp. Các loại thuốc khác đã biến mất hoàn toàn, chẳng hạn như thuốc điều trị trầm cảm.
Wafa Khaled, một người mua hàng cho biết cô không thể tìm mua thuốc cho mẹ. Cô còn phải trả gấp 5 lần để mua đồ ăn cho trẻ em và gấp 7 lần để mua sữa. Cô nói: "Thà rằng một nước nào đó đến chiếm đóng để chúng tôi có điện, nước và an ninh".
Một hiệu thuốc đông đúc ở Tripoli, nơi các loại thuốc thông thường cũng trở nên khan hiếm. Ảnh: NYT
Cuộc khủng hoảng có thể gây thiệt hại lâu dài cho 3 lĩnh vực đưa Lebanon dẫn đầu các quốc gia Ả Rập.
Ở quốc gia từng được mệnh danh là Thuỵ Sĩ của Trung Đông, phần lớn các ngân hàng bị vỡ nợ. Giáo dục cũng phải hứng chịu cú sốc lớn khi các giáo viên và giáo sư tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở nước ngoài. Việc chăm sóc sức khoẻ cũng lâm vào tình trạng tồi tệ khi lương giảm khiến y bác sĩ phải nghỉ việc.
Họ phải vật lộn với làn sóng Covid-19 và vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut năm 2020. Không những thế, các y bác sĩ phải đối phó với các tình trạng ngộ độc thực phẩm do thức ăn không được bảo quản đủ lạnh và ngộ độc rượu.
Đống đổ nát sau vụ nổ cảng Beirut năm 2020. Ảnh: NYT.
Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo. Một tuần 5 ngày, nhiều người phải xếp hàng để nhận bữa ăn miễn phí từ một tổ chức từ thiện ở Tripoli. Một số người còn dùng chai dầu gội cắt đôi để đựng thức ăn.
Robert Ayoub, người đứng đầu dự án, cho biết nhu cầu người đến nhận bữa ăn miễn phí đang tăng lên. Trong số đó có những đối tượng mới như binh lính, nhân viên ngân hàng và công chức.
Nhiều người đến nhận bữa ăn từ thiện thuộc "những người nghèo mới" là nhân viên và công chức. Ảnh: NYT.
Việc Lebanon rơi vào khủng hoảng đã tạo ra một làn sóng di cư mới. Người dân tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở nước ngoài.
Layal Azzam, 39 tuổi, nói trước khi bắt chuyến bay đến Ả Rập Xê Út từ sân bay quốc tế của Beirut: "Tôi không thể sống ở nơi này và tôi không muốn sống ở đây".
Cô và chồng đã trở về Lebanon từ vài năm trước và đầu tư 50.000 USD vào một doanh nghiệp. Nhưng cô ấy nói rằng đầu tư đã thất bại. Cô lo lắng rằng con của họ sẽ khó tiếp cận chăm sóc y tế nếu bị ốm.
Thiệt hại về con người là điều rất khó phục hồi. Ngân hàng Thế giới nhận định chiều kích này cũng khiến tình hình ở Lebanon khác biệt so với các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới.
Hiện tại, Lebanon đã bước sang năm thứ 4 của cuộc khủng hoảng kinh tế, người dân Lebanon vẫn đang phải vật lộn với một cuộc sống khó khăn do hệ thống tài chính bị tê liệt. Họ đang đối mặt với nguy cơ mất trắng số tiền tiết kiệm trong các ngân hàng.
Tổng hợp