Hồi giữa tháng 7/2021, số lượng ca nhiễm chính thức của Indonesia trong vòng 24 giờ đã từng lập kỷ lục. Đồng thời, quốc gia này từng đứng thứ 2 thế giới về số ca tử vong trong ngày, ngay sau Brazil, và thay Ấn Độ trở thành tâm dịch của châu Á.
Nhà dịch tễ học Indonesia, Dicky Budiman thuộc Đại học Griffith, Úc từng đưa ra cảnh báo, Indonesia có thể trở thành tâm dịch mới của thế giới, và đại dịch COVID-19 tại Indonesia còn trầm trọng hơn nhiều so với Ấn Độ.
Theo Reuters, ngày 24/7/2021, Bộ Y tế Indonesia thông báo, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 49.071 người trong vòng 24 giờ, lên hơn 3 triệu trường hợp. Trong khi đó, số người chết cũng tăng thêm 1.566 người, khiến tổng ca tử vong vì COVID-19 lên hơn 80.000 trường hợp.
Theo đó, đây là ngày ghi nhận các trường hợp tử vong vì COVID-19 cao nhất tại Indonesia, kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở nước này. Số người chết lập kỷ lục 4 lần liên tiếp đã đưa Indonesia trở thành tâm dịch tại châu Á.
Trước tình cảnh này, chính quyền Indonesia đã ban bố hàng loạt biện pháp siết chặt phòng dịch mạnh.
Ban đầu, các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp được áp dụng tại Bali và Java, hòn đảo đông dân nhất và nơi có thủ đô Jakarta.
Các quy định này yêu cầu tất cả người lao động không thiết yếu làm việc tại nhà. Bên cạnh đó, các trung tâm mua sắm, trường học, địa điểm tôn giáo phải đóng cửa. Nhà hàng, quán ăn chỉ được phép bán mang về. Đồng thời, cảnh sát có mặt ở mọi nơi, vì vậy, người dân buộc phải đeo khẩu trang.
Ngoài ra, Indonesia còn ra mắt ứng dụng "thẻ xanh vaccine", được áp dụng ở các nơi như trung tâm mua sắm và văn phòng làm việc. Những người chưa được tiêm vaccine sẽ không được vào cửa.
Nhờ thắt chặt hạn chế phòng chống dịch từ giữa tháng 7, số ca mắc COVID-19 ở Indonesia đã giảm mạnh. Theo Nikkei Asia, từng được xem là tâm dịch COVID-19 tại Đông Nam Á và cả châu Á, Indonesia giờ đây có số ca mắc COVID-19 mỗi ngày trên đầu người thấp nhất trong khu vực.
Kể từ đầu tháng 9, số người nhiễm COVID-19 giảm còn khoảng 5.000 ca/ngày. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Indonesia chỉ ghi nhận hơn 1.760 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 26/9.
Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, nhưng hiện lại là nơi có tỷ lệ người mắc COVID-19 thấp nhất khu vực. Chỉ 10 trên mỗi 1.000.000 người dương tính với nCoV.
Những biện pháp tương đồng trong công tác chống dịch giữa Việt Nam và Indonesia
Tối ngày 25/8/2021, Bộ Y tế thông tin, ghi nhận thêm 12.096 ca nhiễm mới, đây được coi là một trong những ngày ghi nhận số người mắc COVID-19 cao kỷ lục tại Việt Nam. Nhưng đến ngày 27/9, cả nước chỉ ghi nhận gần 9.000 ca nhiễm COVID-19 mới, và đến sáng ngày 28/9, tổng số bệnh nhân được chữa khỏi lên đến 538.454 người.
Cuối năm 2020, Việt Nam và Indonesia đã nhất trí hợp tác nhằm ngăn chặn và chấm dứt sự lây lan của dịch bệnh. Trong khuôn khổ song phương, hai nước đã có các động thái hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch trên tinh thần đoàn kết và hữu nghị.
Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với Indonesia trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tích cực phối hợp với Indonesia tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3, các hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng và các hội nghị liên quan khác nhằm thảo luận về các biện pháp ứng phó với COVID-19. Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hai nước đã cùng thúc đẩy thông qua các nghị quyết liên quan đến hợp tác chống đại dịch COVID-19
Để ngăn chặn hậu quả từ COVID-19, Việt Nam và Indonesia đã sử dụng nhiều biện pháp tương đồng như: khoanh vùng khu nhiễm bệnh, thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa hàng quán, bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang, ban hành "thẻ xanh COVID", cho đến việc cấp tốc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trong công cuộc chống dịch, Thủ tướng đã trực tiếp xuống tận nơi nhiều cơ sở, địa phương để khảo sát, kiểm tra tình hình chống dịch thực tế, tổ chức nhiều hội nghị trực tiếp để lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp, người lao động. Từ đó chỉ ra những bất cập cần khắc phục ngay, vì theo quan điểm của Thủ tướng, chống dịch cũng như chống giặc.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Qua kiểm tra trực tiếp tại từng phường, xã, Thủ tướng đã từng nhắc nhở, phê bình lãnh đạo phường, quận cần nghiêm túc chống dịch hơn, chăm lo tốt hơn cuộc sống của người dân. Không báo trước, Thủ tướng đã thâm nhập thực tế để đưa ra quyết sách đúng, trúng mà không phải từ các báo cáo, mà từ thực tiễn của sống của nhân dân.