Hơn mười năm trước, TTCK Việt Nam là cuộc cạnh tranh giữa nhóm các CTCK quốc doanh và nhóm các CTCK tư nhân. Với cơ chế thoáng, bộ máy tinh gọn và liên tục điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp theo xu hướng, nhu cầu của thị trường, nhóm các CTCK tư nhân đã chiếm ưu thế tuyệt đối với kết quả thị phần giao dịch hiện tại gồm 4 CTCK lớn là SSI, HSC, VNDS và VCSC chiếm gần 40% trên HOSE (Q3/2019).
Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, cạnh tranh mảng dịch vụ tài chính trong lĩnh vực chứng khoán có thể sẽ khốc liệt hơn khi có sự tham gia mạnh mẽ từ nhóm các CTCK hàng đầu từ Hàn Quốc như CTCK Mirae Asset (MASVN), CTCK KIS (KISVN), CTCK KBS (KBSV), CTCK NH, CTCK Shinhan,... Vậy nhóm các CTCK hàng đầu từ Hàn Quốc sở hữu gì trong cuộc đua khốc liệt giành thị phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam?
Nguồn vốn giá "rẻ"
Trong 5 năm gần đây, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm của đồng KRW (đồng tiền của Hàn Quốc) đã giảm về mức thấp nhất và đi ngang trong vùng từ 1,5-2%. Do đó, tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn ở một thị trường tài chính ổn định trong khu vực là nhu cầu tất yếu của các CTCK Hàn Quốc. Với việc huy động được nguồn vốn giá rẻ, các ngân hàng Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam có thể tài trợ vốn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với lãi suất chỉ từ 5-6%/năm.
Nguồn: Bloomberg
Bên cạnh đó, việc đồng KRW đã mất giá tới hơn 6% so với đồng USD từ đầu năm tới nay trong khi đồng VND của Việt Nam hiện duy trì tỷ giá ổn định càng thu hút nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam. Các CTCK Hàn Quốc do đó tận dụng cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh tại TTCK Việt Nam trong một vài năm gần đây.
Diễn biến tỷ giá các đồng tiền so với USD. Nguồn: Bloomberg
Trong 3 năm trở lại đây, nhóm các CTCK Hàn Quốc đã có sự tăng trưởng mạnh về quy mô vốn. CTCK KBSV đã tăng vốn từ mức 1.107 tỷ VNĐ (T12/2018) lên 1.675 tỷ VNĐ (T2/2019). CTCK Mirae Asset cũng có chuỗi tăng vốn mạnh trong thời kỳ này khi vốn điều lệ Công ty dự kiến đạt gần 5.500 tỷ VNĐ vào cuối năm 2019, trở thành CTCK có Vốn điều lệ lớn nhất TTCK Việt Nam trong năm nay, lọt top 5 thị phần trên Hose. Trong khi đó CTCK KISVN cũng đã có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô vốn điều lệ từ 1.113 tỷ VNĐ (T1/2015) lên 1.897 tỷ VNĐ (T6/2019) và hiện nằm trong TOP10 thị phần Q3/2019 trên HOSE.
Như vậy, với nguồn vốn đầu vào có chi phí thấp, nhóm các CTCK Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các CTCK nội địa trong việc cho vay margin, kinh doanh nguồn và có nhiều cơ hội lựa chọn các "deal" chất lượng. Thực tế cho thấy lãi suất vay margin của nhóm các CTCK Hàn Quốc chào mời trên thị trường hiện thấp hơn từ 2-4% so với lãi suất vay margin của các CTCK nội địa, từ đó giúp nhà đầu tư Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều khi tiết kiệm được chi phí lãi vay, gia tăng lợi nhuận.
Dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty Hàn như Mirae Asset, KIS hay KB đang tăng rất nhanh
Hệ sinh thái vững chắc
Nhóm các CTCK Hàn tham gia tích cực vào TTCK Viêt Nam đều là những CTCK thuộc top đầu tại TTCK Hàn Quốc và là một phần trong hệ sinh thái khổng lồ về quản lý tài sản và dịch vụ tài chính, bao gồm: Ngân hàng, Quản lý tài sản, Chứng khoán, Bảo hiểm, và Công ty tài chính. Với tinh thần dân tộc rất cao được xây dựng từ thời Tổng thống Park Chung Hee, nhà đầu tư Hàn Quốc khi vào TTCK Việt Nam sẽ ưu tiên sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tập đoàn Mirae Asset hiện đang sở hữu một hệ sinh thái khá đầy đủ tại Việt Nam khi có sự hiện diện của CTCK, Công ty Quản lý tài sản, Công ty tài chính, Công ty BĐS, và liên doanh Bảo hiểm nhân thọ. Tổng quy mô tài sản quản lý của tập đoàn này tại Việt Nam lên đến 2 tỷ USD với các pháp nhân được thành lập hoàn toàn tại Việt Nam. Bên cạnh MASVN, tập đoàn này cũng đã sở hữu công ty quản lý quỹ, công ty tài chính sau khi mua lại giấy phép từ các đối tác Việt Nam.
Trong khi đó, công ty mẹ của CTCK KIS là tập đoàn KIH (Korean Investment Holding) hiện đang hướng sự tập trung chính trong việc phát triển mảng dịch vụ chứng khoán tại thị trường Việt Nam. Mảng quản lý tài sản của tập đoàn này tại Việt Nam hiện vẫn đang do pháp nhân nước ngoài là KIMC (Korea Investment Management Co. Ltd) quản lý và vận hành. Việc mua lại một công ty quản lý quỹ nội địa có thể sẽ sớm được tập đoàn KIH thực hiện nhằm mở rộng các sản phẩm, dịch vụ tại Việt Nam.
Tập đoàn tài chính KB (KB Financial Group) tại Hàn Quốc cũng có đầy đủ các mảng kinh doanh như Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý tài sản, tài chính tiêu dùng. Hiện tại, sự hiện diện của KBFG tại Việt Nam còn khá khiêm tốn với mảng chứng khoán, các mảng khác như quản lý tài sản, ngân hàng hiện mới dừng ở mức mở văn phòng đại diện và nghiên cứu thị trường. Việc tập đoàn này tiếp tục mang sang Việt Nam toàn bộ hệ sinh thái sẽ phụ thuộc vào vấn đề thời gian và cơ hội trên thị trường.
Nguồn: KBSV
Tập đoàn Shinhan sau khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam đã xin được cấp phép hoạt động trong mảng ngân hàng lưu ký (custodian bank) nhằm hướng tới nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Mảng ngân hàng lưu ký, vốn đang gần như độc quyền cung cấp bởi hai đơn vị là ngân hàng Standard Chartered và BIDV Hà Thành, giờ sẽ buộc phải chia sẻ với Shinhan bank.
Với việc đón đầu làn sóng nhà đầu tư Hàn Quốc, mảng ngân hàng lưu ký sẽ là thế mạnh riêng của Shinhan trong việc phát triển tập khách hàng tại TTCK Việt Nam và là thế mạnh của CTCK Shinhan khi tập đoàn này xây dựng một hệ sinh thái đi kèm. Hiện ngoài mảng chứng khoán và ngân hàng bán lẻ, Shinhan cũng đang mở rộng mảng tài chính tiêu dùng sau khi mua lại từ Prudential đầu năm nay.
Tiên phong về các sản phẩm tài chính
Hàn Quốc là một trong các quốc gia đi tiên phong về sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các sản phẩm cấu trúc (ETF, ETN,…) và các sản phẩm phái sinh (ELW, ELS, DLS,…). Sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF lần đầu tiên được niêm yết ở Hàn Quốc từ năm 2002 và giúp Hàn Quốc dẫn đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về sản phẩm ETF này.
Số liệu cho thấy trong 2 năm 2017 và 2018, Hàn Quốc dẫn đầu về số lượng quỹ ETF niêm yết và thanh khoản các quỹ này trên TTCK so với các TTCK khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trên TTCK Hàn Quốc, Mirae Asset và KIMC là hai đại diện hàng đầu trong việc phát triển và vận hành Quỹ ETF. Trên TTCK Việt Nam, dòng tiền đổ vào hai quỹ ETF nội địa (E1VFVN30 và FUESSV50) cũng chủ yếu tới từ nhóm các nhà đầu tư Hàn Quốc này.
Nguồn: World Federation of Exchanges
Bên cạnh sản phẩm ETF, ELW (Equity-linked Warrant), tương tự như Covered Warrant (chứng quyền) tại TTCK Việt Nam, lần đầu được chào bán năm 2005, và hiện rất được ưa chuộng tại Hàn Quốc. Sản phẩm ELW của Hàn Quốc hiện đứng thứ tư thế giới về thanh khoản (giá trị giao dịch), sau Hong Kong, Đức, Ý.
Tại TTCK Hàn Quốc, nhóm các CTCK như KIS, Mirae Asset hay KB đều là những tổ chức phát hành chứng quyền hàng đầu với số lượng tới gần một nghìn chứng quyền khác nhau tại mỗi công ty. Trên TTCK Việt Nam, KIS hiện là tổ chức phát hành CW với quy mô áp đảo (10 mã CW đang niêm yết, chiếm 50% tổng số lượng CW đang niêm yết trên HOSE).
Với lợi thế kinh nghiệm về các sản phẩm tài chính đi trước, nhóm các CTCK Hàn Quốc sẽ không mất nhiều thời gian trong việc mở rộng và phát triển các mảng kinh doanh mới, đồng thời cũng đem lại nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư khi tham gia giao dịch trên TTCK Việt Nam.