Trước đó, chỉ trong hơn 3 tháng, Taliban đã chiếm phần lớn lãnh thổ Afghanistan. Và hôm 15/8, lực lượng này tiến vào thủ đô Kabul mà không gặp sự chống cự nào từ quân đội chính phủ. Cùng ngày, các tay súng Taliban cũng tuyên bố đã kiểm soát dinh Tổng thống Ashraf Ghani.
Hai tuần cuối tháng 8 từ sân bay Kabul, nơi được quân đội Mỹ bảo vệ đã có một cuộc sơ tán hàng loạt công dân nước ngoài và những người Afghanistan từng cộng tác với họ. Những người tị nạn Afghanistan sau khi rời đất nước đã được sắp xếp định cư tạm thời tại căn cứ quân sự Fort McCoy ở Wisconsin, Mỹ.
Sau khi rời khỏi các trại sơ tán tập trung, người dân Afghanistan sẽ được các cơ quan tái định cư hỗ trợ. (Ảnh: Reuters)
Theo Washington Post, hơn 60.000 công dân Afghanistan đã được sơ tán đến Mỹ kể từ ngày 17/8. Chính quyền Mỹ tuyên bố ý định tiếp nhận khoảng 95.000 người Afghanistan sau khi kết thúc cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 2 thập niên ở quốc gia Tây Nam Á này. Không chỉ riêng căn cứ Fort McCoy, 7 địa điểm khác ở Mỹ cũng tham gia tiếp nhận hàng chục nghìn người Afghanistan.
Sơ tán khỏi Kabul
Cô gái Afghanistan giấu tên cho biết vào giữa tháng 8, cô dự định bay từ Kabul đến Bangladesh để bắt đầu năm thứ nhất tại Đại học Phụ nữ Châu Á. Tuy nhiên, dự định của cô không thành hiện thực, vì chính quyền đất nước đã bị Taliban chiếm giữ. Sau đó, cô và khoảng 250 sinh viên Afghanistan khác đã được sơ tán đến căn cứ Fort McCoy ở Wisconsin.
“Đáng lẽ chúng tôi phải đến Bangladesh, trường đại học của chúng tôi đã sắp xếp một chuyến bay cho chúng tôi từ sân bay Kabul. Nhưng chúng tôi đã bị lỡ chuyến bay vì Taliban khi đó chiếm sân bay. Chúng tôi bị mắc kẹt ở sân bay trong một thời gian dài. Sau đó quân đội Mỹ tổ chức một chuyến bay khác và đưa chúng tôi đến Fort McCoy”, cô gái chia sẻ.
Các nhóm sắc tộc Afghanistan
Cuộc sống của một phụ nữ Afghanistan tại căn cứ quân sự của Mỹ hóa ra rất khó khăn. Cô gái là một thành viên của nhóm dân tộc Hazara. Ở Mỹ, cô đã phải đối mặt với những lời “khó nghe” từ những người di tản từ Afghanistan, những người này thuộc nhóm sắc tộc Pashtun thống trị đất nước.
“Tôi là người Hazara và có rất nhiều người Pashtun ở đây. Họ đối xử rất tệ khi nhìn thấy chúng tôi. Hầu hết những người tị nạn ở đây là người Pashtun”, cô gái cho biết.
Theo cô, có khoảng 13 nghìn người sơ tán ở Fort McCoy, khoảng 2 nghìn người trong số đó là người Hazara.
Căng thẳng giữa người Hazara và người Pashtun ở Afghanistan có từ thế kỷ 19. Người Hazara được coi là một trong những nhóm dân tộc bị áp bức nhất trong nước và bị đàn áp vì là người Đông Á.
Cô gái Afghanistan nói rằng, những người Pashtun ở căn cứ quân sự của Mỹ “đang săn đón cô vì ngoại hình của cô”.
Tuy nhiên, cô gái cho hay người Hazara và người Pashtun ở tách biệt tại căn cứ quân sự, vì vậy cô chỉ phải đối mặt với những lời lẽ xúc phạm khi đến những nơi công cộng, chẳng hạn như quán cà phê. Cô sống trong một căn phòng lớn với 30 phụ nữ khác. Hầu hết những người bạn cùng phòng là bạn cùng lớp đại học với cô.
Kế hoạch cho tương lai
Sau 2 năm học kinh tế tại Đại học Phụ nữ Châu Á ở Bangladesh, cô gái Afghanistan chuẩn bị theo học thạc sĩ tại một trường đại học ở Anh hoặc Mỹ. Tuy nhiên, cuộc sơ tán đã khiến những kế hoạch này không thể thực hiện được.
Cuộc sống ở Afghanistan đã có nhiều sự thay đổi kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền. (Ảnh: RIA) |
Cô hiện đã nhận được học bổng của Đại học Brown ở Rhode Island (Mỹ) nhưng chỉ dành cho chương trình tiếng Anh kéo dài 1 năm. Nếu cô muốn lấy bằng cử nhân, cô sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. |
“Ước mơ của tôi là du học Mỹ và xin học bổng để lấy bằng thạc sĩ ở đây, nhưng không phải trong tình huống Taliban bất ngờ nắm quyền ở đất nước tôi. Tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu tại Đại học Brown”, cô gái người Hazara chia sẻ.
Cô gái hy vọng rằng, tuần này cô sẽ được chuyển từ Fort McCoy đến trường đại học và “để lại sự lạm dụng sắc tộc trong quá khứ mãi mãi”.
Nhưng cô lo lắng mình sẽ không thể gặp gia đình trong một thời gian dài, vì một mình cô được sơ tán khỏi Afghanistan. Cô gái có 5 anh trai, một trong số họ đã làm việc cho quân đội Mỹ trong nhiều năm.
“Gia đình tôi rất mừng vì tôi đã có thể rời khỏi Afghanistan. Nhưng họ thực sự đang gặp nguy hiểm, bởi vì anh trai tôi làm việc cho quân đội Mỹ. Anh ấy đã xin thị thực nhập cư đặc biệt vào Mỹ, nhưng bị mắc kẹt ở Kabul”, cô gái chia sẻ.
Người Afghanistan dưới chính quyền Taliban giờ ra sao?
Tại Afghanistan nhiều phụ nữ dường như không ra khỏi nhà trong suốt những tuần sau cuộc tiếp quản ngày 15/8, nhưng giờ đây họ đã dần trở lại cuộc sống bình thường và xuất hiện nhiều hơn ở những địa điểm công cộng. Hầu hết phụ nữ đều mặc áo khoác dài hơn kèm khăn trùm đầu, một số khác thì mặc burga trùm kín đầu.
Phụ nữ Afghanistan đã và đang cảm thấy rất nhiều những hạn chế. Các nhân viên nữ trong chính quyền thành phố Kabul hầu hết được yêu cầu ở nhà và nữ sinh trung học không được phép trở lại trường học.
Trong khi đó, một sự thay đổi dễ nhìn thấy nhất: Ngày càng ít đàn ông mặc trang phục phương Tây. Điển hình như các nhân viên chính phủ là những người thường xuyên mặc những trang phục phương Tây nhất, giờ đây họ đã chuyển sang kiểu trang phục shalwar-kameez truyền thống gồm áo sơ mi dài và quần ống rộng.
Các khu chợ tạm bợ xuất hiện ở khắp mọi nơi, chất đầy đồ gia dụng cũ của người dân. Họ cố gắng bán nhiều thứ nhất có thể trước khi cùng gia đình rời khỏi đất nước. Các cửa hàng kinh doanh cao cấp trở nên vắng vẻ hơn và mọi người đều nói về việc rời khỏi đất nước.
Nền kinh tế Afghanistan vốn đã suy thoái với hơn 55% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Hiện tại khi Taliban lên nắm quyền lực, các dấu hiệu còn tồi tệ hơn, với cảnh báo của Liên Hợp Quốc là mức 97% dân số sống dưới mức nghèo khổ vào cuối năm nay.