Một buổi tối thứ 7 trước khi đi ngủ, những người dân ở miền Bắc Italy lướt qua vài dòng tin tức thì bất chợt phát hiện ra thành phố của mình bị phong tỏa, hoặc sắp bị như vậy. Thông tin chưa rõ ràng lắm, lệnh phong tỏa chưa được ký nhưng trên mạng xã hội chia sẻ cảnh mọi người vội vã ra ga để bắt những chuyến tàu cuối cùng đi về phía Nam.
Đó là tình hình ở Milan, trung tâm kinh tế năng động của Italy, thành phố duy nhất của đất nước tăng trưởng mạnh hơn và giàu có hơn sau những năm dài trì trệ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một lượng lớn người làm việc ở đây là người miền Nam. Khi thành phố bị đóng cửa, họ muốn trở về nhà.
2h sáng chủ nhật ngày 8/3, người dân được nghe thông tin chính thức và quyết liệt nhất từ Thủ tướng Giuseppe Conte. "Chúng ta phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc".
Ông nói rằng bản nháp của lệnh đóng cửa miền Bắc đã bị rò rỉ khi chưa hoàn thành nên đã gây ra những thắc mắc, nghi hoặc. Tuy nhiên, sự thực là 16 triệu người ở miền Bắc nước Ý đã bị phong tỏa, trong khi hàng nghìn người khác đã rời đi trong đêm, dường như đã mang theo mầm bệnh đi cùng họ.
Làn sóng trốn phong tỏa
"Khi chúng tôi nghe thấy từ phong tỏa, chúng tôi vội vã ra ga tàu với những đồ dùng cơ bản nhất. Chúng tôi hy vọng sẽ không bị giữ lại. Chúng tôi muốn về gặp cha mẹ và tránh xa virus. Cũng có thể chúng tôi bị nhiễm virus, tôi cũng không biết nữa", Stefano Poggi, một người dân, tháo chạy khỏi Milan cùng bạn gái, nói.
Lorenzo Scalchi, một nhân viên xã hội tại Milan, một trong những người quyết định về nhà ở Vicenza ngay khi có thể. "Tôi nghĩ rằng mình sẽ bị kẹt ở Lombardy nên tôi đã về nhà nhưng bây giờ tôi lại ở trong tình trạng không chắc chắn. Tôi đã để lại mọi thứ ở căn hộ ở Milan và không biết bao giờ mới được quay lại".
Người dân đeo khẩu trang tại Italy. Ảnh: FT
Silvia Boccardi, một người dân Milan, không biết có nên đi khỏi quê hương lúc này hay không. "Đường phố và công viên thực sự vắng vẻ. Người dân lo lắng và sợ sệt, rồi ai đó bị sốt họ lập tức hoảng sợ. Tôi không biết phải làm gì nữa".
Khu vực miền Nam có kinh tế kém phát triển hơn miền Bắc, trong lịch sử phải chống lại sự định kiến của miền Bắc đối với miền Nam, thống đốc các vùng phía Nam gồm Calabria, Campania và Puglia bày tỏ lo lắng và tuyên bố những người từ miền Bắc sẽ phải cách ly khi đến nơi.
Michele Emiliano, thống đốc Puglia, vùng ở "gót giày" trên bản đồ hình chiếc ủng của Italy, phát biểu rằng: "Tôi nói chuyện với bạn trên tư cách là những người nhà của tôi... Chấm dứt và trở lại. Hãy xuống ga đầu tiên nếu bạn đã đi, đừng đáp máy bay, hãy lái xe quay lại (miền Bắc)".
Đầu não kinh tế xáo trộn trong lệnh phong tỏa
Lombardy, một trong những khu vực giàu có nhất của nước Ý cũng như châu Âu, với hệ thống tài chính lớn hơn cả Ireland và Bồ Đào Nha, được đưa vào tình trạng phong tỏa khẩn cấp, cùng với hàng chục tỉnh láng giềng, bao gồm cả những thành phố nổi tiếng của Ý gồm Milan, Parma và Venice. Chỉ trong một ngày, 16 triệu dân, tức một phần tư dân số Ý, bị phong tỏa trong tâm dịch lớn nhất bên ngoài châu Á.
"Đó là thế giới mà chúng ta đang sống. Chỉ trong 2 tuần, sự ổn định đã tan biến và những thử thách tinh thần xuất hiện", Tim Parks, cây viết của Neu York Times sống tại Milan, viết.
"Tôi đã mua vé tàu điện ngầm cả năm và giờ đây phát hiện ra tàu điện ngầm là môi trường lây bệnh dễ dàng nhất. Tôi mua vé ở phòng tập, phòng tập đóng cửa. Rạp chiếu phim cũng vậy. Vé xem hòa nhạc, bóng đá trở nên vô giá trị. Học sinh, sinh viên không đến trường. Những buổi cầu nguyện bị hủy", Parks kể về cuộc sống tại Milan những ngày phong tỏa.
Những hành khách cuối cùng lên tàu tại ga Milan trước giờ phong tỏa hôm 8/3. Ảnh: NYT
Cảm xúc của người dân nơi đây như thế nào? Parks mô tả rằng ban đầu, họ phẫn nộ. Mới 2 tuần trước, những lệnh cấm đầu tiên được ban hành, yêu cầu dừng tất cả hoạt động tụ tập đông người, đóng cửa quán rượu, mặc dù không thực sự cấm người dân đi lại nhưng chắc chắn đã hạn chế nhiều người.
Một chủ quán cafe ở trung tâm Milan than thở rằng những tuần đắt hàng nhất trong năm đã tuột khỏi tay: lễ hội carnival, tuần lễ thời trang bị ảnh hưởng nặng, khách sạn bị hủy 90% cuộc đặt phòng. Chủ quán rượu Carolina Grespi ở Milan, nói cô thực sự lo ngại những tác động đến doanh nghiệp của mình. "Chúng tôi phải trả tiền cho nhân viên và nhà cung cấp. Là một doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi không thể tồn tại lâu trong tình trạng này".
Nhưng sau đó, số người nhiễm virus tăng lên nhanh chóng, 100 người mỗi ngày, rồi 200, 300. Đến ngày 8/3, chỉ riêng Lombardy là 769 người nhiễm. Đến ngày 10/3, toàn Italy đã có hơn 10.000 người nhiễm và gần 500 người chết vì virus corona khiến Thủ tướng mở rộng lệnh phong tỏa ra toàn bộ đất nước 60 triệu dân.
Bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh
Hôm 7/3, Antonio Pesenti, người đứng đầu cơ quan chống khủng hoảng của vùng Lombardy, ước tính "đến ngày 26/3, chúng ta sẽ có 18.000 người nhiễm bệnh, 3.000 người cần hỗ trợ máy thở". Những trung tâm y tế sẽ phải chịu những áp lực rất lớn. Các bệnh viện ở Milan đã sẵn sàng đưa những bệnh nhân không phải người nhiễm Covid-19 đến những bệnh viện khác trong vùng.
Đây được đánh giá là biện pháp tỉnh táo. Tình hình những ngày qua cho thấy tầm quan trọng của việc giữ khoảng cách với người khác.
"Mọi người ngừng việc bắt tay, thang máy cũng đậm mùi thuốc khử trùng. Những người bảo vệ ở cửa đứng cách xa bạn, người thu ngân ở siêu thị đeo găng tay cao su và xin lỗi khi hắt hơi và cam đoan rằng cô chỉ bị viêm xoang thông thường. Một người quản lý trách nhân viên tại quầy đồ nguội rằng đáng nhẽ cậu cần nói sớm việc người hàng xóm của cậu có xét nghiệm dương tính với virus", Tim Parks kể về những gì ông chứng kiến.
Mọi người được yêu cầu không chỉ nghĩ cho mình mà cần nghĩ cho cả cộng đồng. Milan vốn là một thành phố chia rẽ, gồm nhiều cộng đồng người Hoa, Ả Rập, Tây Ban Nha, Philippines, người Ấn, người Rumani và Slav, người Ý ở khắp mọi miền. Kể cả những người bản địa ở đây cũng chia cách bởi nơi làm việc và tầng lớp xã hội. Nhiều hoạt động được thực hiện qua mạng hơn là trên phố, giao lưu với những người cùng điều kiện ở các nước khác hoặc châu lục khác. Tuy nhiên, khi virus xâm nhập, người ta mới nhận thấy họ chia sẻ cùng một bầu không khí, Milan, Italy.
"Chúng ta cùng sống ở đây, cùng chìm hoặc bơi ngược dòng với nhau. Có lẽ chúng ta cần phải biết về nhau dù không cần bắt tay, tôi cảm nhận thấy một tinh thần đoàn kết mới", Parks viết.
Người Milan đi mua thêm nước trong ngày 8/3. Ảnh: NYT
Tác động đến nền kinh tế là vô cùng khủng khiếp, tuy nhiên, chính phủ lại trở nên mạnh mẽ hơn. Liên minh cầm quyền gồm hai đảng chính là đảng Dân chủ trung tả và Five Star Movement, dù hai bên không thực sự đồng quan điểm nhưng liên kết lại với nhau để cạnh tranh với đảng Lao động cánh hữu. Tuy nhiên, hiện tại liên minh hai đảng trên dễ dàng thống nhất với nhau để đưa ra những quyết định cho đất nước. Sự ủng hộ đảng cánh hữu do đó suy giảm.
Chính phủ cũng có thể chi tiền. Hiệp định Ổn định và Tăng trưởng, hiệp định chung của tất cả các thành viên Liên minh châu Âu (EU), yêu cầu Italy phải giữ các chỉ số thâm hụt trong mức quy định nghiêm ngặt. Ngay cả khi mọi chỉ số kinh tế đều cho thấy nhu cầu đầu tư và chi tiêu thì trong giai đoạn tăng trưởng gần như bằng 0 hiện nay, chính phủ sẽ buộc phải yêu cầu Brussels trao quyền để chi tiền. Những yêu cầu này trước đó thường bị từ chối và các chính trị gia của Ý bất lực.
Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp như thế này, chính phủ có quyền kiểm soát. Lúc này, tầm quan trọng của một đất nước rõ rệt hơn bao giờ hết: người Italy phải quyết định cho người Italy. Gói hỗ trợ 7,5 tỷ EUR (8,5 tỷ USD) đã được công bố và dự kiến sẽ còn nhiều hơn nữa.
Các doanh nghiệp sẽ được bồi thường, phụ huynh có con trong độ tuổi đi học sẽ được tạo điều kiện trông trẻ. Một khoản lớn được chi để mua thiết bị y tế và nâng cao năng lực bệnh viện. Hiện tại, với những người dân bình thường, dù nói rất nhiều đến chiến đấu, chiến thắng bệnh dịch, tuy nhiên, cách tốt nhất để chống lại nó lại là ở nhà.
"Khi điều tốt đẹp đến, khi hết bệnh dịch, người ta mới sẽ cảm nhận được những quyền lực mới, ý thức về bản sắc và trách nhiệm của mình mà loại virus này giúp họ nhận ra", Tim Parks viết.
Tham khảo FT, NYT