Tội phạm quay lén bùng nổ ở Hàn Quốc
Đó là một mùa hè nóng lực ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, những phụ nữ tới bãi biển hoặc hồ bơi để thư giãn có thể thấy mình bị thiêu đốt bởi một thứ khác: hình ảnh quay lén trong tình trạng không mảnh vải che thân trên các trang web đen.
Với sự bùng nổ của công nghệ, máy quay lén trở nên vô cùng tinh vi và khó phát hiện. Thậm chí, chúng còn được ngụy trang như những đồ vật bình thường nhất, khiến người ta gần như không thể phát hiện bằng mắt thường. Những kẻ quay lén không chỉ muốn thỏa mãn mình mà còn bán những thước video này cho các web đen để thu lợi.
Trước làn sóng phản đối ngày càng tăng, các "đội săn cam" do cảnh sát tổ chức đã bắt đầu hoạt động. Họ được trang bị máy quét hồng ngoại, giúp phát hiện ống kính và các thiết bị tích điện. Họ dành hàng giờ để tìm kiếm các máy quay lén được lắp đặt trong các phòng thay đồ và phòng tắm công cộng.
"Trời càng nóng chúng tôi lại càng phải ra ngoài nhiều", ông Lee Su-hyun, một cảnh sát ở Changwon thuộc tỉnh ven biển South Gyeongsang, nói. Tuy nhiên, thành quả của họ cũng khá khiêm tốn. Sự phổ dụng của điện thoại thông minh khiến thiết bị này trở thành công cụ hữu ích cho những kẻ quay lén, nhất là ở những nơi công cộng.
Theo thống kê của cảnh sát, số lượng kẻ tình nghi bị bắt giữ vì quay lén năm 2011 là 1.354 người nhưng tăng lên 5.363 người vào năm 2017 với 95% là nam giới. 90% số tội phạm loại này sử dụng điện thoại thông minh để quay lén. Cảnh sát cũng xác định được 26.000 nạn nhân bị quay lén bất hợp pháp từ năm 2012 đến 2016 trong đó hơn 80% là phụ nữ.
Tuy nhiên, rất nhiều người bị quay lén không bao giờ được xác định. Giáo sư tội phạm học Oh Yoon-sung của Đại học Soonchunhyang cho rằng con số thực tế còn "cao gấp hàng chục lần so với thống kê của cảnh sát".
Thậm chí, tình hình tồi tệ tới mức Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng than thở rằng quay lén đã trở thành "một phần của cuộc sống hàng ngày" và kêu gọi có những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với loại tội phạm này.
Bế tắc chưa tìm ra lời đáp
Quá phẫn nộ, phụ nữ Hàn Quốc đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình nhằm gây sức ép, buộc các nhà chức trách phải có những hành động mạnh tay hơn. Cảnh sát cũng đã phải thay đổi phương thức hoạt động, từ lùng sục trên các web đen tìm kiếm thủ phạm cho tới kiểm soát doanh số bán hàng các sản phẩm loại này. Việc kiểm tra các khu vực công cộng cũng được tiến hành thường xuyên, dù có tìm thấy thiết bị quay lén hay không.
Hàn Quốc có quy định xử phạt 9.000 USD tới tù 5 năm cho hành vi quay lén. Tuy nhiên, số liệu thống kê của cảnh sát trong 5 năm trước năm 2018 cho thấy chỉ 5,3% số người bị truy tố về hành vi này lĩnh án phạt tù. Có lẽ, gốc rễ của vấn đề nằm ở sâu xa hơn trong nền văn hóa Hàn Quốc, nơi phụ nữ vốn không được đề cao so với nam giới.
Báo cáo có tên "My Life is Not Your Porn" của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HWR) đã chỉ ra nguồn gốc sâu sa của tội phạm tình dục kỹ thuật số Hàn Quốc. Theo đó, đây là sự giao thoa giữa bùng nổ công nghệ với bất bình đẳng giới. Họ cũng mô tả đây là một hình thức bạo lực giới và nạn nhân chủ yếu luôn là phụ nữ và trẻ em gái.
Sau Chiến tranh Liên Triều (1950-1953), kinh tế Hàn Quốc bùng nổ mạnh mẽ. Đây cũng là quốc gia đi đầu về công nghệ với tỷ lệ người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới (95%) và Internet tốc độ cao được phủ tới 99,5% các hộ gia đình.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế và công nghệ nhanh chóng của Hàn Quốc đã không đi kèm với sự tiến bộ tương tự trong bình đẳng giới. Thậm chí, quốc gia này còn bị đánh giá là tụt hậu trong việc bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Sự gia trưởng đã ăn sâu vào xã hội. Vị thế của phụ nữ trong xã hội nhìn chung cũng thấp hơn so với nam giới.
Trong bảng xếp hạng khoảng cách giới toàn cầu mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra năm 2021, Hàn Quốc xếp thứ 102 trong tổng số 156 quốc gia được xếp hạng. Ngay cả cơ hội tham gia chính trị, kinh tế đều không công bằng. Một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy chỉ 4/10 vụ quấy rối tình dục tại nơi làm việc được phanh phui. Trong một cuộc khảo sát năm 2018, hơn 50% trong số 3.000 nam giới trên 20 tuổi có thái độ chống nữ quyền.
Hiện tại, tất cả điện thoại thông minh ở Hàn Quốc đều không thể tắt tính năng phát ra tiếng khi chụp ảnh. Quy định này có từ năm 2004 nhưng có vẻ không mấy hiệu quả. Sự xuất hiện của các loại máy quay siêu nhỏ tiếp tục khiến vấn đề trở nên nan giải hơn, nhất là khi chúng có thể được ngụy trang sau bất cứ vật dụng gì.
Tồi tệ hơn, chúng có giá thành rất rẻ nên bất cứ kẻ nào cũng có thể mua và sử dụng. Những video này còn có thể kiếm ra tiền khi chúng được đăng trên web đen. Đó là bài toán khó mà Hàn Quốc chưa tìm ra lời giải.