Thời điểm đại dịch bùng phát trong năm 2020, 2021, quốc gia Nam Mỹ Venezuela hứng chịu thêm một cú sốc, dẫn tới việc mọi thứ, vốn đã tồi tệ, trở nên kinh khủng hơn. Trong các bệnh viện, cuộc khủng hoảng thiếu bao trùm. Găng tay, khẩu trang, thuốc kháng sinh, oxy và thậm chí cả nước đều là những thứ thường xuyên không có. Với thức ăn đạm bạc của bệnh viện dành cho người bệnh, nhiều người đã được chẩn đoán là suy dinh dưỡng. Đến cả ánh sáng cũng thường xuyên phụt tắt, khắp hành lang chỉ còn bóng tối.
Giurbeneles Echenique, 15 tuổi chỉ nặng 27,9 kg, tại bệnh viện El Algodonal
Nó trái ngược hoàn toàn với hình ảnh trung tâm y tế xuất sắc một thời thu hút mọi người từ từ khắp châu Mỹ Latinh tới điều trị. Cuộc khủng hoảng, bùng lên từ mâu thuẫn với Mỹ, đã lấy đi tất cả của người dân Venezuela, bồm những thứ cơ bản nhất của văn minh.
Là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới, giờ đây, Venezuela phải rơi vào tình cảnh thiếu nước máy, thiếu điện hay thiếu khí đốt. Thậm chí, đông đảo người dân rơi vào cảnh chạy ăn từng bữa, lo tiền thuốc từng ngày mà không tìm thấy con đường thoát.
Theo số liệu mới từ Cơ quan Khảo sát Điều kiện Sống Quốc gia được thu thập mỗi năm bởi ba trường đại học lớn trong nước, 94,5% người dân Venezuela đang sống trong cảnh nghèo đói. Thậm chí, nơi đây còn bị so sánh với những nước thường xuyên đối mặt với nội chiến, bạo lực ở châu Phi.
Có một cảnh tượng luôn diễn ra trong những ngôi nhà lụp xụp ở thị trấn Tocoron, cách thủ đô Caracas hai giờ đồng hồ. Tủ lạnh trống trơn cùng những đồ đạc hoen gỉ được mua đã từ rất lâu, 5 anh em trong độ tuổi từ 5 đến 11 đều nhẹ cân và nhỏ xíu. Chúng ăn bất cứ thứ gì chúng có – và nếu không có gì, chúng sẽ nhịn đói. Đại dịch và sức ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thị trường lao động đã góp phần gia tăng đói nghèo, nhưng dịch bệnh chỉ là một trong số những yếu tố đã kéo Venezuela vào hố sâu của cuộc khủng hoảng.
Không có việc làm, Estefany Guerrero, 23 tuổi, sống với ba đứa con (trong ảnh là đứa con út Joel mới 2 tuổi) và mẹ cô, người kiếm được vài đô bằng nghề thợ may. "Cuộc chiến hàng ngày của chúng tôi là làm sao để không bị đói”, cô ấy nói
Mặt xấu nhất của vòng xoáy đói nghèo chính là cái đói, thứ đã bào mòn sức lực của con người. Một cuộc khảo sát từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc đã cho thấy cứ ba người Venezuela thì sẽ có một người không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu.
Những vấn đề với nền kinh tế Venezuela, cả do nội sinh lẫn ngoại lực, đều đang đẩy cuộc sống người dân vòa tuyệt vọng. Lệnh cấm vận của Mỹ khiến ngành công nghiệp dầu mở Venezuela, vốn đang bùng nổ, trở nên gần như tê liệt. Không nhiều nước có khả năng tiếp cận dầu mỏ của Venezuela.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hưng thịnh của ngành công nghiệp dầu mỏ vài năm trước, Venezuela đã không phát triển thêm bất cứ ngành công nghiệp khác nào đủ mạnh để có thể làm trụ đỡ cho nền kinh tế. Khi dầu mỏ dính đòn trừng phạt, cả nền kinh tế phải chịu hệ lụy.
Sống bằng nghề lái xe ôm, anh Enderson Briseño, 30 tuổi, là ví dụ điển hình về sự sa ngã cuộc khủng hoảng đã kéo 9/10 gia đình thuộc tầng lớp trung lưu rơi vào cảnh nghèo đói cách đây một thập kỷ. Anh từng là thành viên của một hợp tác xã nhỏ, cho đến khi cuộc khủng hoảng ập đến với người dân nơi đây.
"Tôi đã phải chật vật xoay sở để giữ gìn tài sản và kiếm sống nuôi gia đình, nhưng có những ngày tôi còn không kiếm đủ tiền để mua thức ăn", ông bố 4 con chỉ biết thở dài. "Nếu có ít thức ăn, chúng tôi nhường lại cho con".
Maria Jose Gonzalez, Giám đốc điều hành Tổ chức phi chính phủ Cáritas ở Los Teques, cách thủ đô Caracas 30 km, lo ngại: "Người nghèo ngày càng nghèo hơn và khoảng cách xã hội ngày càng mở rộng".
Nhà của Aimara Briseño, 30 tuổi, đã không có nước trong vòi trong sáu tháng. Giải pháp thay thế là lưu trữ nước mưa hoặc lấy nước từ nguồn tự nhiên gần đó
Bị thúc ép bởi những con số siêu lạm phát kéo dài trong 5 năm, cùng với việc Nhà nước dần cạn kiệt tiền mặt và đang phải chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Maduro đã và đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp.
Đời sống kinh tế ngày càng hỗn loạn. Trong mỗi giao dịch tài chính, người dân Venezuela đều phải ngụp lặn giữa vùng biển hỗn hợp các đồng Bolivar, USD, thẻ ghi nợ và chứng từ. Đôi khi bạn sẽ phải trả tiền cho một lon nước ngọt bằng cả hai loại tiền. Bằng cách này hay cách khác, mọi thứ đều trở nên đắt đỏ hơn khi đồng USD vào cuộc. Như các nhà kinh tế thường nói, đây là một hiện tượng điển hình ở những nơi bị lạm phát tàn phá đến mức họ không giữ được "ký ức về giá".