Sau cơn sốt đất, giao dịch tại hầu hết các khu vực trên địa bàn Tp.HCM tuy chững lại nhưng không giảm sâu, riêng nhà đất Củ Chi lại có động thái đi xuống do dân đầu cơ, lướt sóng ồ ạt bán tháo.
Theo tìm hiểu của PV về tình hình giao dịch tại các sàn nhà đất ở Củ Chi, mặc dù xu hướng bán ra trên thị trường tăng mạnh nhưng nhu cầu mua vào giảm đến 60% so với đợt cao điểm, thị trường khan hiếm người mua.
Tại một văn phòng nhận ký gửi nhà đất ở thị trấn Củ Chi, nhân viên cho biết mỗi ngày đều có ít nhất 2-3 khách hàng liên hệ nhờ bán đất, đa phần là cần bán gấp trong thời gian từ 1-2 tháng và chấp nhận thương lượng giá. Tuy nhiên theo nhân viên này, trừ khu vực trung tâm thị trấn, đất vùng ven Củ Chi giờ bán không có người mua. Trong số 10 người đến giao dịch thì có đến 8 người bán, chỉ có 2 người mua và chủ yếu mua đất thổ cư trong khu trung tâm.
Khu vực xã Bình Mỹ, tâm điểm giao dịch nhà đất Củ Chi từng thu hút lượng lớn giới đầu tư, người đến giao dịch mỗi ngày đông như đi chợ giờ chỉ còn lác đác 1-2 giao dịch. Số lượng đất cần bán ra gấp tại đây cũng chiếm khá nhiều.
Loại hình bán ra nhiều và giao dịch ế ẩm nhất hiện tại là đất nông nghiệp và đất thổ vườn. Loại đất này có diện tích lớn, vào đợt cao điểm nhiều nhà đầu tư mua vào, giá bị bơm lên quá cao so với giá trị thật. Hiện giờ, sản phẩm chưa lên được thổ cư hay không được phép tách thửa buộc phải bán lại với diện tích lớn nên rất kén người mua và còn tồn lại rất nhiều.
Đất nông nghiệp và đất thổ vườn cũng bị mất giá nhiều nhất. Các lô đất tầm 2.000-10.000m2 chào bán khó tìm được khách, nhiều chủ đất chấp nhận giảm giá khá mạnh, từ 30-40% so với đỉnh giá đợt sốt đất nhưng không ra được hàng. Đa phần khách mua sản phẩm này là nhà đầu tư đến từ phía Bắc và giờ họ cũng đang nôn nóng muốn bán ra nhanh.
Thị trường nhà đất Củ Chi đã bước qua giai đoạn sốt nóng, giá đang giảm mạnh. Ảnh: Phương Uyên
Theo ông Trần Văn Danh, một nhà đầu tư đến từ Hà Nội, dù đã chấp nhận giảm đến 30% giá bán so với đợt cao điểm tháng 4 nhưng hiện tại nhà đầu tư này vẫn mắc kẹt với lô đất gần 10.000m2 tại Củ Chi.
“Giá tôi mua vào thấp hơn giá bán đợt cao điểm đến 50%, giờ giảm 30% tôi vẫn có lời và nếu bình thường thì giá này sẽ ra hàng rất tốt. Tuy nhiên vấn đề là hiện nhiều nhà đầu tư cũng đang bán ra nên người mua có nhiều sự lựa chọn. Giữa đất ở Đà Nẵng và Tp.HCM, tôi đành phải bán đất ở Củ Chi do không thể gánh cùng lúc 2 lô đất lớn vì cần thanh toán với ngân hàng”, ông Danh nói.
Kết quả khảo sát của phóng viên cũng cho thấy, giá đất tại Củ Chi hiện đã giảm khá mạnh. Đất thổ cư giảm từ 15-20%, đất nông nghiệp nhiều nơi giảm 30-40% so với thời điểm sốt. Đất nền tại tỉnh lộ 8 giá bán từ 11 triệu/m2 giờ chỉ còn 7-8 triệu/m2; đất thổ cư nội đô giá từ 22-26,8 triệu/m2 giảm xuống còn 20-25 triệu/m2.
Đất nông nghiệp hiện vào khoảng 4,5-7 triệu/m2, giảm từ 700 nghìn - 2 triệu/m2. Khu vực xã Phước Vĩnh An giá từ 10-11,5 triệu/m2 xuống còn khoảng 7-9 triệu/m2; khu vực xã Nhuận Đức giá đất từ 5-7 triệu/m2, giờ chỉ còn khoảng 2-3 triệu/m2.
Khu vực xã Bình Mỹ, đất ngay mặt tiền đường giá từ mức 12-15 triệu/m2 giờ chỉ còn 9-12,5 triệu/m2, đất nông nghiệp từng bị thổi lên 4-5 triệu/m2 hiện quay đầu giảm còn 2-3,5 triệu/m2 nhưng không ai mua. Theo môi giới khu vực này, các lô đất trồng cây lâu năm diện tích 2.700-10.000m2 từng được hét giá 3-10 tỉ đồng giờ rơi xuống tầm 2-8 tỷ.
Tại khu vực xã Tân Thông Hội, giá đất đang từ mức 9-11 triệu/m2 cũng giảm xuống còn 6-8 triệu/m2; đất thổ vườn còn tầm 2-3,7 triệu/m2, giảm từ 500-800 nghìn/m2.
Tại xã Nhuận Đức, đất thổ vườn trung bình giảm từ 20-30%, xuống còn 1-1,2 triệu/m2. Các tuyến đường Kha Vạn Cân, Trần Văn Chẩm, Võ Văn Bích, Lê Văn Khương, tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 8, quốc lộ 22… đất thổ cư đều có giá giảm trung bình từ 10-15%, đất thổ vườn giảm tầm 20% và đất nông nghiệp giảm đến 30%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giảm giá đất tại huyện Củ Chi là do các nhà đầu tư đua nhau bán chốt lời. Thời điểm đầu năm khi đất sốt, đất Củ chi bị "bơm" giá lên cao, khách mua lúc đó lại chủ yếu là dân đầu tư lướt sóng. Hiện giờ đất hết sốt, họ tìm cách bán ra nhanh nên giao dịch rơi vào 1 chiều, bán nhiều mua ít. Đặc biệt, đất được các nhà đầu tư mua để đón đầu các dự án khủng hiện quay đầu giảm nhiều nhất.
Thời gian trước phần lớn nhà đầu tư mua lướt sóng nhưng hiện nhiều người ra hàng không kịp, giờ giá quay đầu giảm trong khi quỹ đất Củ Chi vẫn còn nhiều nên nhà đầu tư buộc phải chốt lời hoặc cắt lỗ.
Những nhà đầu tư lướt sóng bằng vốn vay ngân hàng buộc phải bán nhanh nhưng thị trường hiện đã nguội, nhu cầu mua giảm. Nếu nhà đầu tư chấp nhận bán lỗ sâu thì vẫn có thể tìm được người mua, nhưng hầu hết trong số họ đều không muốn bán lỗ mà chỉ bán với giá mua vào nên khách mua không hứng thú.