Hãng tin Bloomberg dẫn các số liệu mới được công bố hôm thứ Năm (27/5) cho thấy, phí vận chuyển một container 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Rotterdam Hà Lan) đã đạt mức 10.174 USD, cao hơn 3,1% so với cách đây 1 tuần và tăng 485% so với cùng kỳ năm 2020.
Phí vận chuyển 1 container hàng hóa từ châu Á tới châu Âu vượt mức 10.000 USD. (Ảnh minh họa: Splash247)
Chỉ số giá tổng hợp của 8 tuyến đường vận tải biển chính trên thế giới cũng đã tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến các nhà xuất nhập khẩu rơi vào tình cảnh khó khăn.
Ở Mỹ và nhiều nơi khác trong năm nay, nhiều chủ hàng đã phải trả mức phí hơn 10.000 USD cho mỗi container hàng.
Được biết, khi ký hợp đồng với các hãng vận tải biển, các nhà xuất nhập khẩu hàng hóa phải chấp nhận mức phí phụ trội cao để đảm bảo được giao hàng, dỡ hàng đúng thời hạn.
Sau một thời gian sụt giảm vì đại dịch trong năm 2020, nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu tăng mạnh trở lại và các công ty bắt đầu đẩy mạnh tích trữ hàng hóa, dẫn tới hoạt động vận tải hàng hóa trên biển trở nên sôi động.
Ngoài ra, những gián đoạn từ vụ tắc nghẽn kênh đào Suez hồi cuối tháng 3 và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển được cho là những nguyên nhân chính khiến nhu cầu đối với container chở hàng vượt xa nguồn cung, đẩy giá cước vận tải biển tăng mạnh. Tuy nhiên, các hãng vận tải biển lại đang được hưởng lợi nhuận lớn.
"Chi phí trong chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa tiếp tục tăng cao có thể ảnh hưởng đến cán cân lợi nhuận cả năm của chúng tôi", Michael O'Sullivan, CEO hãng bán lẻ quần áo Burlington Stores trụ sở tại New Jersey, chia sẻ.
Ngược lại, cổ phiếu của A.P.Moller-Maersk, hãng tàu container lớn nhất thế giới, đã lập kỷ lục vào đầu tuần này. Cổ phiếu ZIM Integrated Shipping Services - một hãng vận tải của Israel, cũng tăng gấp 3 lần khi IPO hồi tháng 1.
Cước phí vận tải bằng đường biển tăng cao đã thúc đẩy lượng đơn đặt hàng mua tàu chở container tăng vọt trong 5 tháng vừa qua, Hiệp hội tàu chở hàng quốc tế BIMCO cho hay.