Tình trạng thiếu container rỗng khiến dòng chảy hàng hoá bị ảnh hưởng
Đầu năm 2021, trong một bài phỏng vấn, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (DGC) Đào Hữu Duy Anh cho biết do tình trạng thiếu hụt container rỗng khiến công ty phải trả phí vận chuyển xuất khẩu hoá chất tăng 3-5 lần so với giá thông thường.
Tại cuộc họp về việc tăng giá vận tải hàng hóa container bằng đường biển trong thời gian qua do Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đồng chủ trì tổ chức, trong bối cảnh hơn 3 tháng nay giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container/40 feet nay đã đội giá lên tới 8.000-10.000 USD/container/40 feet.
Chỉ số giá cước container tăng chóng mặt (nguồn FT)
Một số hãng tàu cho biết không cắt giảm chuyến đi từ Việt Nam, thậm chí còn tăng chuyến, nhưng do lượng container thiếu hụt trầm trọng nên dẫn tới tình trạng hiện nay. Các hãng tàu cũng cho biết tình hình này ít nhất kéo dài đến hết tháng 3-2021, thậm chí có thể đến quý 2-2021 nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
The Load Star đưa tin, các nhà máy ở Việt Nam và miền Nam Trung Quốc vẫn làm việc trong suốt thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để giải quyết tình hình sản xuất tồn đọng. Các chuỗi cung ứng nội vùng châu Á đã bị gián đoạn do vận tải biển không thể bù đắp cho việc thiếu hụt năng lực logistics nội vùng. Trên khắp Đồng bằng sông Châu Giang, các công ty logistics đã ngừng nhận hàng từ 7-10 ngày. Tuần trước Tết Nguyên đán, một số công ty thậm chí còn giảm lượng đặt chỗ mới cho đến cuối tháng 2, ông Akhil Nair, Phó chủ tịch Seko Logistics báo cáo.
Ông cho biết thêm, "Việt Nam đang đối mặt với tình trạng khan hiếm container có sẵn đang ngày càng trầm trọng hơn do các hãng tàu ưu tiên đưa các container rỗng vào thị trường Trung Quốc, vì ở đó sản lượng cao hơn".
Hòa Phát quyết định sản xuất container
Hôm qua, 22/ 2/2021, Tập đoàn Hòa Phát bất ngờ thông báo tuyển dụng hàng loạt nhân sự triển khai nhà máy sản xuất vỏ container với công suất 500.000 TEU/năm, địa điểm tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thông tin tuyển nhân sự cho dự án container đăng trên website của Hoà Phát
Được biết, Hòa Phát dự định sản xuất vỏ container công suất 500.000 TEU/năm. Trước mắt làm nhà máy ở khu vực phía Nam, cụ thể là tỉnh Bình Dương hoặc Đồng Nai, rất gần với cảng Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải.
"Chúng tôi đang nhanh chóng tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm để có thể bắt tay ngay vào xây dựng nhà máy. Dự kiến đầu Quý II năm sau, Hòa Phát có thể cung cấp ra thị trường container rỗng mang thương hiệu của mình. Quy mô sản xuất lớn như vậy nên chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ rất cạnh tranh", ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ.
Theo ông Tuấn, sắt thép chiếm 55% giá thành sản xuất container, mà lại là loại thép SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết. Ở Việt Nam duy nhất Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất làm chủ được công nghệ sản xuất loại thép này với giá thành hợp lý, phát huy được thế mạnh của nhà sản xuất thép từ thượng nguồn.
Với công suất 500.000 TEU/năm, sản xuất container sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm, là đầu ra cho Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát. Như vậy có thể nói container là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát.
Năm 2020, Hòa Phát đã đạt sản lượng gần 700.000 tấn HRC. Năm 2021, Tập đoàn dự kiến đặt mục tiêu 2,7 triệu tấn HRC, trên 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng. Dự án Dung Quất 2 dự kiến được triển khai vào đầu năm 2022 với công suất 5 triệu tấn/ năm, tập trung sản xuất HRC với công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay.
"Giá thép đặc chủng làm container rất đắt, doanh nghiệp mà đi nhập loại thép đặc chủng này về sản xuất container thì chắc chắn thua", ông Tuấn tự tin cho rằng Hòa Phát có "vũ khí" để đảm bảo dự án sản xuất container có thể thành công, cạnh tranh sòng phẳng với ông lớn trong làng container thế giới là Trung Quốc.
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết đã tính toán dựa trên nhu cầu của thị trường. Nguồn cung container rỗng hiện nay đang rất thiếu. 90% lượng container trên thế giới do Trung Quốc sản xuất, mỗi năm thị trường tăng trưởng 5%. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây Trung Quốc giảm 40% sản lượng container, công suất sản xuất thép của Trung Quốc cũng giảm. Ngược lại, nhu cầu container của Trung Quốc lại tăng mạnh do xuất siêu. Hạ tầng hậu cần của các cảng trên thế giới gặp nhiều khó khăn nên vấn đề tái sử dụng container đang gặp nhiều bất cập.