Mới đây, Nam A Bank cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho ngân hàng này được phép thành lập tới 30 phòng giao dịch và 5 chi nhánh. Các phòng giao dịch mở mới trực thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Phú Thọ, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang - mỗi tỉnh 3 phòng giao dịch. 5 chi nhánh ở 5 tỉnh là Quảng Ninh, Long An, Đắk Nông, An Giang và Tiền Giang. Thời gian mở các chi nhánh phòng giao dịch này là trong vòng 12 tháng tới, tức là cả năm 2018 và 2019.
Đây là thông tin khá bớt ngờ sau một thời gian dài khá kín tiếng của Nam A Bank, một ngân hàng nhỏ nằm trong số ít còn duy trì vốn điều lệ ở quanh mức 3.000 tỷ đồng với mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch dưới con số 100.
Trước đó, hồi giữa tháng 8, một ngân hàng nhỏ khác là OCB cũng đã được chấp thuận mở thêm 2 PGD và 5 chi nhánh mới chủ yếu ở khu vực miền Bắc và Tây Nguyên.
Thay vì chen chúc nhau ở các thành phố lớn, các ngân hàng đang muốn hướng tới những tỉnh thành khác trên cả nước để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. 3 ngân hàng lớn khác là ACB, Techcombank, SHB mới đây cũng có động thái tiếp tục bành trướng mạng lưới. Cụ thể, ACB đầu tháng 10 đã được NHNN chấp thuận thành lập 12 PGD mới ở Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đồng Tháp, Trà Vinh, Long An, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, mỗi tỉnh một PGD.
Trong khi trước đó, giữa tháng 9, Techcombank đã được NHNN chấp thuận thành lập PGD Tam Điệp tại Ninh Bình và một chi nhánh mới tại Khu đô thị Vinhomes Imperia tại thành phố Hải Phòng.
SHB cũng vừa khai trương chi nhánh ở Nam Định và cho biết từ nay đến cuối năm sẽ còn đưa vào hoạt động thêm hai chi nhánh mới tại tỉnh Sơn La, Hải Dương và gần 20 phòng giao dịch trực thuộc nâng tổng số chi nhánh của SHB lên 60 chi nhánh trên toàn quốc.
Các điểm giao dịch của ngân hàng vẫn liên tục được mở rộng từ đầu năm đến nay, trước những ngân hàng nói trên, HDBank, LienVietPostBank, MBBank, Kienlongbank, TPBank,…cũng đã được phê chuẩn/ mở thêm hàng chục điểm giao dịch mới trên toàn quốc. Các chi nhánh, phòng giao dịch này trải dài ở nhiều tỉnh khác nhau chứ không chỉ tập trung ở các thành phố lớn.
Vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đang là nơi mà nhiều ngân hàng muốn hướng đến sau khi đã tập trung phục vụ những khách hàng ở thành thị. Nhiều tỉnh cũng đang có sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong khi người dân khu vực nông thôn chưa được tiếp cận nhiều với các kênh tài chính chính thức nên dư địa còn rất lớn.
Trong một lần phát biểu gần đây, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết NHNN đang tăng cường chỉ đạo mở rộng mạng lưới ngân hàng, đặc biệt vùng sâu, đồng thời phát triển tài chính vi mô, mở rộng mạng lưới NHCSXH,…để cung ứng tín dụng cho người dân nghèo.
Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm giúp người dân tiếp cận với các kênh tài chính an toàn, chính thức, từ đó đẩy lùi các hình thức tín dụng đen có dấu hiệu biến tướng ở nông thôn.