Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%; tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.
Với tập quán nhiều đời nay của người Việt, dịp cuối năm nhiều gia đình mạnh tay hơn cho những khoản chi tiêu dùng, từ mua sắm nhỏ tới các món lớn như mua nhà, mua xe.
Điều này cũng đủ sức đẩy nhu cầu vay tiêu dùng để mua sắm dịp cuối năm lên cao.
Nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng khoảng 50- 70% so với trong năm. Đây chính là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
Tại Ngân hàng Techcombank, so với hai năm trước, tỷ trọng dư nợ của khách hàng cá nhân trên tổng cho vay tăng từ 40% lên 48%. Trong tổng dư nợ bán lẻ 99.000 tỷ đồng thì vay mua nhà chiếm tới 82%, 5% là vay mua ô tô, 4% từ thẻ tín dụng.
Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao, nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất rất hấp dẫn khi cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn, với gói vay mua ô tô, VPBank đang áp dụng mức 7,49%/năm, TPBank từ 7,6%/năm, BIDV từ 8%/năm, Techcombank từ 8,29%/năm…
Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, các ngân hàng cũng đưa ra số tiền tài trợ vay vốn khá cao, lên đến 5 tỷ đồng, tỷ lệ cho vay có thể lên đến 85% thế chấp bằng chính chiếc xe dự tính mua hoặc 100% nếu khách hàng thế chấp bằng bất động sản. Thời gian vay tối đa lên đến 96 tháng đối với xe ô tô mới và 60 tháng đối với xe ô tô đã qua sử dụng.
TS. Cấn Văn Lực - Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho biết, hệ thống cho vay tiêu dùng hiện nay khá đa dạng đã đáp ứng nhiều hơn nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Song, người đi vay cần tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đơn vị cho vay trước khi quyết định nộp hồ sơ vay.