Không được đi du lịch để mua sắm như mọi năm, giới nhà giàu mạnh tay chi tiền tại các cửa hàng thời trang.
Biển quảng cáo phủ kín mặt tiền trung tâm thương mại, khách hàng xếp hàng và được yêu cầu đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt đầy đủ trong buổi khai trương cửa hàng thời trang đến từ Nhật Bản. Sau hơn 2 tiếng lựa chọn, chị Ngô Thị Mai (Ba Đình, Hà Nôi) đã thanh toán hoá đơn quần áo lên tới 10 triệu đồng.
Xách hai ba túi trên tay, chị Mai bày tỏ thích thú khi thoả mãn cơn khát mua sắm thời trang do từ đầu năm tới nay không thể đi nước ngoài vì dịch bệnh. “Năm nào, nghỉ hè gia đình mình cũng đi Singapore hoặc Thái để du lịch và mua đồ. Năm nay dịch bệnh không đi được đâu, thấy trung tâm khai trương là mình phải tới luôn để mua cho đỡ thèm”, chị Mai cho hay.
Mặc dù, mức giá của một số loại quần áo có đắt hơn so với mua ở Singapore hay Thái Lan nhưng chị Mai vẫn cảm thấy hài lòng vì giờ không cần đi ra nước ngoài vẫn có thể mua sắm được đồ các thương hiệu chị ưu chuộng.
Đổ xô đi mua sắm sau dịch bệnh |
Tương tự, chị Nguyễn Hồng Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng mua hơn 11 triệu tiền quần áo sau vài giờ mua sắm. Chị Hạnh cho hay, gia đình chị hay mua đồ đặt từ nước ngoài về nhưng do ảnh hưởng của dịch số chuyến bay hạn chế nên các kênh bán hàng nhập khẩu cũng đã không có hàng.
Sau khi thấy quảng cáo khai trương cửa hàng, chị đã xem một số mẫu và lao ngay tới để trở thành người đầu tiên tại cửa hàng. “Mình đã chọn được một số váy và quần áo cho gia đình mặc mùa đông năm nay. Không ngờ dịch bệnh mà nhiều người đi mua như vậy”, chị cho biết.
Theo chị Hạnh, người tiêu dùng có thu nhập khá như gia đình chị lựa chọn các thương hiệu thời trang quốc tế vì mẫu mã đa dạng, giá cả cũng tương đồng với các sản phẩm trong nước và đặc biệt là trải nghiệm mua sắm ở những trung tâm sang trọng.
Sự đổ bộ của các thương hiệu thời trang quốc tế vào Việt Nam đã khiến cho người tiêu dùng không còn tốn kém đi nước ngoài bởi sản phẩm bày bán trong nước cũng tương đồng với quốc tế. Ông Osamu Ikezoe - Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, cho hay, các cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM hoàn toàn tương đương với các cửa hàng tại Tokyo. Các sản phẩm được bày bán tại đây là những sản phẩm mới nhất, tương đương với Nhật Bản và các thị trường lớn khác trên thế giới.
Ngoài ra, cũng tuỳ theo đặc điểm của từng thị trường, dựa trên thị hiếu và nhu cầu của khách hàng, có những dòng sản phẩm phù hợp để đón đầu xu hướng. Đối với các cửa hàng tại Việt Nam, do ngay tại Việt Nam có nhà máy sản xuất nên có thể thực hiện mô hình lựa chọn những mẫu sản phẩm được thiết kế phù hợp với thị trường, đưa vào sản xuất nhanh để đưa sản phẩm ngay ra thị trường tại Hà Nội, TP.HCM...
Liên quan tới giá cả, ông giải thích rằng, chính sách giá thông nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, mỗi nước có quy định về thuế quan nhập khẩu và chính sách thuế giá trị gia tăng khác nhau nên giá cụ thể của sản phẩm có thể khác nhau giữa các quốc gia, nhưng sẽ chênh lệch không nhiều.
Đại gia ngoại chiếm thị phần
Thực tế, thói quen mua sắm hàng thời trang thương hiệu ngoại đã hình thành từ lâu đối với người tiêu dùng Việt. Họ sẵn sàng chi trả số tiền lớn để đi nước ngoài mua đồ. Ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân không được đi nước ngoài, kéo theo các thương hiệu thời trang quốc tế có mặt trong nước “ăn nên làm ra”.
Đơn cử, Uniqlo đã liên tiếp khai trương 2 cửa hàng tại Vincom Metropolis và Aeon Mall Long Biên, với diện tích trên 2.000m2 sau chưa đầy 1 năm có mặt tại Hà Nội. Đây được xem là những vị trí đắc địa, kỳ vọng sẽ góp phần mở rộng và củng cố thương hiệu Uniqlo tại Việt Nam với các dòng sản phẩm LifeWear.
Thương hiệu ngoại chiếm ưu thế |
Mới đây, Muji chính thức vào Việt Nam với cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM. Muji là một chuỗi cửa hàng bán lẻ của Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới với nhiều các loại sản phẩm từ đồ gia dụng, nội thất cho đến quần áo, mỹ phẩm... Hiện thương hiệu này có hơn 700 cửa hàng trên toàn cầu.
Một minh chứng rất rõ là nhà bán lẻ Nhật Takashimaya thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng trung tâm thương mại cùng tên đặt tại TP.HCM với số vốn đầu tư 22 triệu USD và kỳ vọng sẽ có lợi nhuận vào năm 2022. Nhưng đến tháng 2-2020, Takashimaya đã công bố lãi năm tài chính 2019 đạt gần 1 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các trung tâm thương mại khác của Nhật như Akuruhi hay Aeon Mall, 7-Eleven đều đang đẩy mạnh việc kinh doanh ở Việt Nam. Nhà bán lẻ mỹ phẩm Matsumoto Kiyoshi dự kiến cũng sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại đây.
Với sức tiêu dùng lớn, thị trường trẻ, Việt Nam là phương án giúp phân tán rủi ro khi mà tình hình bán lẻ tại các thị trường lớn như Mỹ hay Nhật Bản, Trung Quốc đều đang sụt giảm nghiêm trọng.
Các nhà bán lẻ Nhật Bản đã lên kế hoạch từ nhiều năm trước và đã có thời gian dài nghiên cứu thị trường. Trong bối cảnh Covid-19, trong mắt doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam không chỉ là địa điểm tốt cho việc sản xuất mà còn là thị trường tiêu dùng mới hấp dẫn, một mảnh đất màu mỡ mà họ chưa khám phá.
Theo Nikkei, công ty mẹ của Uniqlo, Fast Retailing, dự kiến sẽ chuyển hướng kinh doanh để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Họ đang đẩy mạnh sự phát triển ở Nhật Bản, nhưng thị trường Đông Nam Á và các thị trường phương Tây thì có phần ảm đạm.
Sau khi có mặt tại TP.HCM và Hà Nội, các thương hiệu bày tỏ tham vọng mở rộng về thị trường các tỉnh. Đà Nẵng, Nha Trang cũng là những thành phố tiềm năng, có lượng khách du lịch rất lớn. Trong tương lai xa hơn, thương hiệu này sẽ phát triển cửa hàng ở những thành phố này.
“Chúng tôi cho rằng nhu cầu bị dồn nén này có thể tăng tốc trong nhiều quý. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu đà mua sắm này có kéo dài không” đại diện một đơn vị nhận định.
Bảo Anh