Con số thương vong khổng lồ
Các tài liệu mới được giải mật hôm thứ Sáu (8/12) cho thấy Mỹ tin rằng quân đội nước này cùng đồng minh Hàn Quốc sẽ "cầm chắc chiến thắng" nếu xảy ra chiến tranh trong cuộc xung đột bán đảo 1994 với Triều Tiên. .
Kể cả khi nước này chưa hoàn thiện các loại vũ khí hạt nhân, Lầu Năm Góc cũng ước tính khoảng 490.000 người Hàn Quốc và 52.000 người Mỹ sẽ thiệt mạng hoặc bị thương trong 3 tháng đầu của cuộc giao tranh.
Tài liệu không đề cập tới thương vong của phía Triều Tiên , nhưng các nhà phân tích cho rằng tổn thất sẽ là cực kì to lớn.
Ngày nay, Triều Tiên gần như đã hoàn thiện các chương trình của mình và đã đạt tới khả năng có thể tấn công hạt nhân vào đất Mỹ, một kịch bản mâu thuẫn và giao tranh lại bắt đầu nổ ra như hồi năm 1994.
Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sung và Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ảnh: Getty
Theo tài liệu, tại thời điểm đó, chính quyền Tổng thống Bill Clinton đã tính tới việc dùng tàu chiến phóng tên lửa vào tổ hợp hạt nhân của Triều Tiên sau khi nước này bắt đầu xả lò phản ứng để thu về nguyên liệu chế tạo quả bom hạt nhân đầu tiên.
Cựu tổng thống Jimmy Carter lúc ấy đã phải tiến trước một bước, gặp mặt với nhà sáng lập Triều Tiên Kim Il-sung, thỏa hiệp một cam kết giải trừ quân bị để đổi lấy trợ cấp. Thỏa thuận tồn tại được gần một thập kỉ, mặc dù trong khoảng thời gian này tình hình bán đảo vẫn tiếp tục căng thẳng.
Lời kể của cựu Bộ trưởng
Trong tuần qua, ông William Perry - nay đã 90 tuổi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong khoảng thời gian nói trên, phát biểu: "Chính phủ Mỹ khi ấy đã nhất trí rằng sẽ không cho phép Triều Tiên chế tạo bom hạt nhân. Và đó không phải là lời nói chơi."
Một đoạn thông điệp được Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia tại Đại học George Washington tiết lộ mới đây có bao gồm các cuộc thảo luận của ông Perry với tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung. Ông Perry lúc đó là đặc phái viên của ông Bill Clinton về tình hình bán đảo.
Tại thời điểm này, ông Perry tuyên bố với ông Kim Dae-jung rằng Mỹ đã có kế hoạch đối đầu vũ trang và "bằng sự hiệp lực giữa liên minh Mỹ - Hàn, hai nước nắm hoàn toàn phần thắng trong tay".
Cũng theo ông Perry, chiến tranh sẽ đem lại rất nhiều mất mát, và với cương vị là cựu Bộ trưởng Quốc phòng, ông nhận thức rất rõ về mặt tiêu cực của chiến tranh, và "sẽ làm tất cả để tránh đổ máu".
Từ khi đó, Triều Tiên đã có bước tiến dài trong việc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, đặc biệt dưới thời nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.
Tháng trước, Bình Nhưỡng đã thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với tầm bắn hơn 13.000km, tiến gần hơn tới mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân bắn được tới đất Mỹ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát vụ phóng tên lửa Hwasong-15 ngày 29/11/2017
Phát biểu tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ở Washington, ông Perry đề cao giải pháp ngoại giao. Theo ông, dù giải pháp này không khiến Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, nhưng sẽ phần nào giảm thiểu khả năng chiến tranh.
Ông nói: "Một cuộc chiến hạt nhân toàn diện với Triều Tiên, dù không có sự góp mặt của Nga và Trung Quốc, cũng có thể gây ra thiệt hại về người ngang bằng Thế Chiến I, hoặc thậm chí bằng Thế Chiến II."