Ông Trần Thanh Hải, cựu CEO Be Group, Đồng Sáng lập VNG Corporation.
Tham dự toạ đàm “Ứng dụng Kinh tế Nền tảng Số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 20/2 với tư cách một diễn giả, ông Trần Thanh Hải, cựu CEO Be Group, Đồng Sáng lập VNG Corporation đã có những chia sẻ xung quanh chủ đề hợp tác xã (HTX) vận tải trong kinh tế nền tảng số.
Theo cựu CEO Be Group Trần Thanh Hải, mô hình HTX vận tải hiện tồn tại một số bất cập.
“Theo đề án 24, chúng tôi phải làm việc với các HTX vận tải. Song tôi thấy mô hình HTX vận tải để giải quyết vấn đề lái xe công nghệ, về bản chất chỉ là mô hình vỏ bọc. Bởi HTX vận tải không đóng góp bất kỳ giá trị nào ngoài tem và phù hiệu. Tiếp nữa, nó là hình thức gần như để trốn thuế.
Cá nhân tôi ủng hộ hợp tác xã, ủng hộ kinh tế chia sẻ. Nhưng chúng ta phải bảo đảm được quyền lợi thuế và quyền lợi người lao động. Hiện nay, HTX vận tải với sự tham gia của các lái xe công nghệ không hề có trách nhiệm thuế, kiểm toán hay trách nhiệm nào khác với từng cuốc xe, giá thành, bảo hiểm. Phải nói là tất cả những giá trị đó không tồn tại và đây là lỗ hổng lớn”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Chia sẻ thêm về Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, ông Hải tiếp tục nhấn mạnh tới thực trạng thất thu thuế vốn đã tồn tại nhiều năm qua.
“Thuế của nhà nước không thể nào mất đi được. Cầu cống, đường sá, trường học, cơ sở y tế đều hình thành từ tiền thuế của người dân. Chúng ta không uống rượu lậu, vậy vì sao lại đi một chuyến xe trốn thuế?
Quan điểm của chúng tôi vẫn hoan nghênh hợp tác xã, nhưng đừng để nó biến tướng, trở thành nơi trốn thuế. Bản thân Be là một công ty vận tải nên lựa chọn cách làm việc trực tiếp với các tài xế thay vì ký kết hợp tác thông qua hợp tác xã”, ông Trần Thanh Hải cho hay.
Nhớ lại quãng thời gian làm việc tại Be Group, ông Hải cho biết, Hai vấn đề mấu chốt khiến Be phải vật lộn cạnh tranh với Grab không phải sự đón nhận của thị trường, mà là chính sách và vốn.
"Thị trường đón nhận nhiệt liệt. Năm nay nếu chúng tôi có bỏ ra 1.000 - 2.000 tỷ đồng thì họ sẽ bỏ vào thị trường 3.000 tỷ đồng, Lúc ấy, cạnh tranh sẽ cực kỳ khốc liệt, cực kỳ khó khăn. Tôi không ủng hộ bảo hộ, nhưng điều quan trọng chúng ta đề cập tới là sân chơi công bằng. Nhưng thế nào là công bằng? Không thể nói thị trường công bằng khi một ông cầm 1 tỷ USD vào thị trường, còn tổng các ông trong nước cầm 500 triệu USD".
Theo cựu CEO Be Group Trần Thanh Hải, Việt Nam đã có nhiều chính sách thúc đẩy các nền tảng số để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, có những chính sách lại đưa lợi thế vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng.
“Vốn, công nghệ vốn không phải thế mạnh của Việt Nam, thì chúng ta phải dựa vào lợi thế về sáng tạo, lợi thế về thị trường và sự am tường con người. Khi Grab vào Việt Nam, dịch vụ vận chuyển, khách hàng, xe, lái xe, chi tiêu... đều là của Việt Nam, nhưng nền tảng công nghệ lại của nước ngoài”, ông Hải nói.