Chiều ngày 20/02/2020, UPGen Vietnam phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Tọa đàm Chính sách “Ứng dụng Kinh tế Nền tảng Số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam”.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách phát biểu: "Rõ ràng, kinh tế nền tảng đang thay đổi mô thức sử dụng hàng hóa. Đặc biệt ở chỗ, nền tảng không sở hữu nguồn lực, mà chỉ cung cấp nền móng để mọi người cung ứng và sử dụng dịch vụ, sản phẩm. Nền tảng là một mô hình kinh doanh riêng, có giá trị và có phương thức định giá riêng. Nhưng do đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp, các nền tảng này đều đến từ các quốc gia phát triển hơn: về công nghệ, về khâu kết nối, về thể chế, về tính sáng tạo,..."
Ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ: "Những người doanh nhân ở đây, tôi tin rằng họ sẽ đặt ra vấn đề, các nhà chính sách cũng sẽ nhìn ra, có thể sau một chút. Doanh nhân, trước hết cái họ nhìn ra là cơ hội kinh doanh, nhưng họ cũng sẽ nhìn thấy vấn đề là: Việt Nam có thật sự cần những nền tảng của riêng Việt Nam hay không? Có ý nghĩa hay không? Và có thì có giúp gì được cho chính họ hay cho đất nước, cho cộng đồng người dân Việt Nam hay không? Nếu không thì cứ dùng những nền tảng đã có thôi.
Google là một nền tảng mà về cơ bản chúng ta đều dùng e-mail của họ, miễn phí, và rõ ràng chúng ta đã dùng nền tảng đó hàng chục năm nay rồi, tương tự với Facebook và các hệ thống truyền thông khác, mạng xã hội khác hay nền tảng đi lại, ăn, ở khác. Xã hội đã thay đổi và chúng ta đã tiết kiệm được năng suất rất nhiều nhờ các nền tảng này. Chúng ta muốn, nhưng cách chúng ta làm để đạt được mục đích còn phải xem xét".
Ông Thành đánh giá, người Việt Nam cũng muốn mình có những nền tảng để hội nhập, để tăng lợi ích cho mình, tăng sức mạnh cho mình, nhưng nó phải thực tiễn.
Ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT UPGen Việt Nam tâm sự: "Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, kinh tế nền tảng đã xảy ra rồi, không thể thay đổi được. Chúng ta dù muốn hay không cũng đều tham gia vào các nền tảng khác nhau. Câu chuyện của chúng ta là chúng ta có cần các nền tảng không? Tôi nghĩ là chúng ta rất cần, nhưng chúng ta không cần tất cả các nền tảng. Vậy chúng ta cần nền tảng gì?
Rõ ràng, nếu chúng ta không tham gia vào cuộc chơi kinh tế nền tảng này, chúng ta không có một vai trò gì trong nền kinh tế của bản thân chúng ta trong tương lai cả, ngoài việc là người sử dụng, hưởng lợi từ các nhà cung cấp. Tuy nhiên, giới công nghệ chúng tôi vẫn nói nền tảng chia ra: có những thứ rất đặc thù - lợi thế của nó nằm ở việc nó mang tính quốc tế cao. Ngoài ra, có một số nền tảng lại mang tính địa phương, như Be. Vì các tài sản trên đó, nhà cung cấp trên đó, hệ thống tiền tệ trên đó và người sử dụng đều là địa phương. Những nền tảng thế này thì các công ty địa phương sẽ có lợi điểm nhất định".
Ông Nam nhận định, theo quan điểm của ông cần định nghĩa lại nền tảng gì phần chủ yếu dựa vào yếu tố nguồn lực và tài sản, khách hàng trong nước thì cần phát triển để kiểm soát kinh tế nền tảng. Còn những nền tảng mang tính quốc tế cao, việc mở rộng mang lại cho họ lợi thế lớn, thì việc tạo ra một nền tảng tương tự nhưng của Việt Nam là không cần thiết, nên dồn nguồn lực và trí tuệ, tiền bạc để làm những việc khác có ý nghĩa hơn.
Ông Trần Thanh Hải - nguyên CEO Be Group, đồng sáng lập VNG Corp cho rằng: "Những dịch vụ quá đặc thù cho đất nước của chúng ta, chúng ta nên có nền tảng riêng. Có một ví dụ, tại sao ta nhất nhất xây nhà máy lọc dầu để ra xăng bán thay vì bán dầu mỏ thô? Gmail, Facebook có thể cung cấp dịch vụ miễn phí, cái họ có được là dữ liệu hành vi của tất cả mọi người, là tài nguyên. Chúng ta tiếp tục sử dụng các nền tảng đó thì chúng ta sẽ không còn gì ngoài việc sử dụng dịch vụ".
Ông Hải lấy ví dụ về lĩnh vực quảng cáo online, ông ước tính các nền tảng Việt Nam chỉ chiếm dưới 20% doanh thu quảng cáo ở Việt Nam: "Đó là điều rất đau xót. Ngay bản thân tôi khi vận hành công ty be cũng vậy thôi".
Ông Hải ủng hộ nên có những nền tảng của riêng Việt Nam. Ông lập luận, nếu không dịch chuyển từ việc đi làm thuê, đi gia công sang lĩnh vực sáng tạo hơn để làm thì 15-20 năm nữa Việt Nam vẫn chỉ là đi làm thuê, nhưng không nhất thiết phải làm tất cả các nền tảng.