Vùng an toàn của bạn rõ ràng là rất thoải mái nhưng cũng rất hạn chế. Bill Harrison, cựu CEO của một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới JPMorgan, khuyến khích bạn hãy bước ra khỏi vùng an toàn đó.
“Bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Đó là cách để bạn tiếp tục phát triển”, ông Harrison nói trong chương trình “How Leaders Lead with David Novak” gần đây.
Theo ông, người làm CEO của JPMorgan trong giai đoạn 2000 – 2006, thông thường bạn có thể học hỏi được gì đó từ môi trường, vị trí hay cơ hội mới, từ đó thúc đẩy phát triển cá nhân của bạn và đưa bạn tới một con đường thành công. Trước khi leo lên vị trí là người điều hành một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, sự nghiệp của ông Harrison liên tục có những thay đổi lớn. Bản thân ông không phải lúc nào cũng thích thú nhưng chúng lại giúp ông thành công sau này.
Bill Harrison, cựu CEO của JPMorgan. Ảnh: Getty Images.
Cựu CEO của JPMorgan chia sẻ thay đổi đã thúc đẩy sự nghiệp của ông nhiều nhất. Đó là vào giữa những năm 1980, ông nhận vị trí quản lý đầu tiên với nhiệm vụ giám sát một nhóm gồm 13 nhân viên tại văn phòng khu vực của Chemical Bank ở San Francisco. Sau 3 năm, ngân hàng yêu cầu ông chuyển đến London để quản lý mảng kinh doanh tại thị trường châu Âu. Khi đó, số người ông phải giám sát lên tới 1.300 người.
Ban đầu, Harrison không thích ý tưởng này. “Tôi không muốn tới London. Tôi thấy vui vẻ với việc ở San Francisco. Ý tôi là tôi thấy rất thoải mái khi ở trong vùng an toàn của mình. Tôi là một trong những người không tiến nhanh như vậy”.
Tuy nhiên, Harrison không chịu nổi áp lực và thu dọn hành lý của mình. Sự thay đổi này với ông không hề dễ dàng: ông phải đối phó với một uỷ ban điều hành rối loạn chức năng và những đánh giá từ đồng nghiệp vì ông khi đó là một người Mỹ trẻ tuổi lại lãnh đạo một mảng kinh doanh ở Anh.
Dù vậy, ông đã thu thập được nhiều kiến thức khi làm việc trong môi trường xa lạ và khó khăn đó. Ông cho biết: “Trải nghiệm này thực sự dạy cho tôi nhiều thứ hơn bất kỳ điều gì tôi đã từng làm”.
Nói cách khác, những trải nghiệm trong môi trường xa lạ và không thoải mái của Harrison đã đưa ông đến với một sự nghiệp thành công rực rỡ.
Năm 1991, vài năm sau khi Harrison rời London để điều hành mảng doanh nghiệp Mỹ của Chemical Bank, ông đã giúp dàn xếp quá trình sáp nhập giữa ngân hàng này với Manufacturers Hanover, thương vụ đầu tiên trong 3 thương vụ cuối cùng tạo ra JPMorgan Chase vào năm 2000. Ông nghỉ hưu vào năm 2006 sau gần 4 thập kỷ làm trong ngành ngân hàng.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông nhiều lần bị đặt vào tình huống lựa chọn giữa việc bước ra khỏi vùng an toàn của mình hay ở lại với những người thân quen, Harrison chia sẻ. Ông cho biết hầu như ông luôn chọn phương án không thoải mái và bản thân không bao giờ hối hận về điều đó.
“Khi nhìn lại, tôi thấy nếu không làm như thế thì tôi đã bỏ lỡ những trải nghiệm không thể tin được”, cựu CEO của JPMorgan cho hay.
Một số nghiên cứu tâm lý gần đây cũng minh chứng cho lời khuyên của ông Harrison về việc thoát khỏi vùng an toàn của bản thân.
Tháng 3, các chuyên gia tâm lý của Đại học Cornell và Đại học Chicago công bố một nghiên cứu về những gì sẽ xảy ra khi mọi người tìm đến sự không thoải mái. Họ chia hơn 550 sinh viên thành hai nhóm và yêu cầu một nhóm thực hiện một bài tập ứng biến theo cách họ thường làm. Nhóm còn lại được đặt vào một vị thế khó xử và không thoải mái. Kết quả cho thấy nhóm thứ hai báo cáo họ học được nhiều hơn và tiến bộ hơn.
Một nghiên cứu của Đại học Yale vào năm 2018 cũng có những phát hiện tương tự. Các nhà nghiên cứu đã giao cho một nhóm khỉ những nhiệm vụ với những kết quả quen thuộc và liên tục xảy ra, còn một nhóm khác với kết quả không chắc chắn và lạ lẫm hơn. Họ phát hiện ra rằng nhóm thứ hai học được nhiều hơn và ghi nhận nhiều hoạt động não ở vỏ trước, nơi quan trọng đối với sự chú ý, trí nhớ, khả năng phán đoán cùng các chức năng khác ở cả khỉ và người.