Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson cảnh báo rằng nước Mỹ đang đối mặt với "con đường rất khó khăn ở phía trước" sau khi Tổng thống Trump ký duyệt gói giải cứu kinh tế lịch sử trị giá 2.000 tỷ USD.
Paulson, nhân vật chủ chốt đã giúp nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008, mới đây đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân. Ông cùng với những "đồng đội" tại Cục dự trữ liên bang (Fed) đã giải cứu các ngân hàng để ổn định thị trường tài chính - động thái mà cho đến tận ngày nay vẫn là điều hiếm khi xảy ra và vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều.
"Một bài học rõ ràng từ khủng hoảng 2008 là rất khó để nhanh chóng kiếm được tất cả số tiền cho những nơi cần tiền nhất, và vì thế Bộ Tài chính và Fed phải đảm đương trách nhiệm rất lớn", ông nói.
Luật mới vừa được thông qua, gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã mở rộng trợ cấp thất nghiệp, phát không cho mỗi người dân 1.200 USD, cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và Fed cũng có chương trình 500 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một bộ phận chỉ trích chương trình này, lập luận rằng nước Mỹ không nên đi vào vết xe đổ của năm 2008, khi các sếp ngân hàng mới là nhóm được hưởng lợi nhất từ gói cứu trợ chứ không phải người đi vay.
Paulson cho rằng bài học tiếp theo là khi xuất hiện 1 thách thức rất lớn thì sẽ không bao giờ có 1 giải pháp hoàn hảo và nhẹ nhàng cho tất cả. "Kho bạc Mỹ cần phải nhanh nhẹn, linh hoạt và tháo vát. Nhưng kể cả khi họ đảm bảo được những đức tính đó, cũng không thể sử dụng quyền lực theo cách mà tất cả mọi người đều tin là công bằng và đủ nhanh".
Những hành động của ông Paulson, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke và cựu Chủ tịch Fed New York Timothy Geithner đã cứu nguy cho hệ thống tài chính cách đây hơn 1 thập kỷ. Nhưng giai đoạn hậu khủng hoảng lại là khoảng cách chênh lệch giàu nghèo gia tăng, niềm tin vào các định chế chính phủ bị xói mòn và môi trường chính trị bị phân cực.
Xét trong bối cảnh hiện nay, với nhiều bộ phận của nền kinh tế cần được trợ giúp để tránh rơi vào tình trạng sụp đổ, trong đó có các hãng hàng không và công ty năng lượng, Paulson dự đoán rằng giờ đây chính phủ sẽ phải tung ra những chương trình giải cứu khổng lồ.
"Chúng ta có 1 chặng đường rất khó khăn ở phía trước. Bộ trưởng Mnuchin, Chủ tịch Powell cùng với các đồng nghiệp của họ cần sự hỗ trợ và thấu hiểu của chúng ta, vì họ đang chiến đấu để những thiệt hại kinh tế mà người dân Mỹ phải gánh chịu là nhỏ nhất".
Khép lại thông điệp của mình, ông nói rằng câu chuyện sẽ phụ thuộc nhiều nhất vào việc các công ty có thể nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường hay không.
"Điều đó sẽ được quyết định bởi khả năng kiểm soát virus cũng như khả năng cung cấp cho hệ thống y tế những nguồn lực cần thiết. Đây thực sự là 1 cuộc chiến vì tương lai kinh tế và sức khỏe của người Mỹ, vì vậy chúng ta cần phải tiếp tục hành động".