Ngày 8/1/2020, hơn một tuần sau khi đào tẩu khỏi Nhật, cựu chủ tịch hãng xe Nissan Motor Co., Carlos Ghosn, đã tổ chức một cuộc họp báo tại Beirut, Lebanon và công khai chỉ trích hệ thống tư pháp của Nhật, theo tin từ Bloomberg.
"Tôi đã bị cách ly khỏi thế giới một cách thô bạo", cựu chủ tịch Nissan, cũng là người đứng đầu hãng xe Renault SA của Pháp, phát biểu tại họp báo. Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của ông kể từ khi bị bắt tại Tokyo với cáo buộc gian lận tài chính vào cuối năm 2018. "Tôi đã bị tách khỏi gia đình, bạn bè, cộng đồng của tôi, khỏi Renault, Nissan và Mitsubishi".
Chuyến bay đào tẩu khỏi Nhật của Ghosn đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong vụ việc bắt đầu bằng sự kiện ông bị bắt tại sân bay Haneda ở Tokyo vào tháng 11/2018. Giờ đây, khi được tự do nói những gì mình muốn, Ghosn thanh minh cho bản thân, nói rằng ông bàng hoàng trước những cáo buộc khai giảm thu nhập và lạm dụng công quỹ của Nissan vào mục đích cá nhân. Hiện tại, ông cũng đang bị cơ quan chức năng của Pháp điều tra với cáo buộc tương tự ở Renault.
"Tôi cảm thấy mình là con tin ở đất nước mà tôi đã phục vụ suốt 17 năm", Ghosn xúc động khi nói về cách ông bị đối xử ở Nhật sau khi đã giúp cứu hãng xe Nissan khỏi bờ vực phá sản gần hai thập kỷ trước.
Khẳng định mình vô tội, Ghosn nói rằng các công tố viên, quan chức của Nhật cũng như các giám đốc của Nissan đã âm mưu lật đổ ông nhằm ngăn một vụ sáp nhập giữa Nissan và Renault. Cựu chủ tịch 65 tuổi đưa ra một vài cái tên gồm cựu CEO Nissan Hiroto Saikawa, Hitoshi Kawaguchi và Masakazu Toyoda, nói rằng đây là những người có liên quan tới âm mưu chống lại ông. Saikawa, người thay Ghosn giữ cương vị chủ tịch sau khi ông bị bắt, cũng đã từ chức vì bê bối nhận thưởng bất thường vào tháng 9 năm ngoái.
Trước khi trốn khỏi Nhật, Ghosn đang chờ hầu toà để xét xử và có thể đối mặt với án tù hơn 10 năm. Ông mô tả hệ thống tư pháp của Nhật là "thiếu công bằng".
"Tôi ở đây để lật tẩy một hệ thống tư pháp vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất của con người", Ghosn phát biểu tại họp báo. "Những cáo buộc đối với tôi là sai sự thật và tôi đáng lẽ ra không bao giờ bị bắt giữ như vậy".
Ghosn không chỉ hướng mũi rìu vào Nissan mà cả công ty luật của hãng xe này. Ông nói rằng họ đã cung cấp những thông tin sai trái và giữ kín những thông tin có lợi cho ông. Ông cũng khẳng định mình bị gài bẫy mà không thể thanh minh cho mình.
"Những trải nghiệm tồi tệ không thể tưởng tượng được của tôi trong 14 tháng qua là kết quả của một vụ dàn dựng của một nhóm những cá nhân vô đạo đức và đầy thù hận tại Nissan và hãng luật Latham & Watkins, cùng với sự hỗ trợ từ văn phòng công tố Tokyo", Ghosn nói tại họp báo.
Ngày hôm qua (7/1), Nissan cũng phát thông cáo nói rằng cuộc điều tra nội bộ của công ty đã phát hiện "những bằng chứng không thể chối cãi về loạt hành vi sai trái" của Ghosn. Công ty này cũng tuyên bố sẽ có "hành động pháp lý phù hợp" chống lại Ghosn nếu ông gây ra bất kỳ tổn hại nào cho công ty.
Theo nguồn tin của Bloomberg, hãng xe Nhật đã chi hơn 200 triệu USD cho các luật sư, nhà điều tra và chuyên viên kỹ thuật số trong vụ điều tra liên quan tới Ghosn và cựu giám đốc Greg Kelly. Kelly hiện vẫn ở Nhật và phủ nhận mọi cáo buộc.
Ghosn là người đã giúp vực dậy Nissan hai thập kỷ trước, sau khi cứu Renault khỏi phá sản. Khi đó, ông là người hùng ở Nhật. Khi liên minh giữa Renault và Nissan ngày càng ăn nên làm ra - có thêm Mitsubishi Motors Corp. vào năm 2016 - Ghosn trở thành nhân vật không thể thiếu của liên minh khổng lồ này.
Tuy nhiên, đãi ngộ "khủng" dành cho ông cũng làm dấy lên nhiều chỉ trích ở Nhật và Pháp, và sự phẫn nộ tại Nissan ngày càng lớn lên với việc Renault nắm 43% cổ phần Nissan, trong khi hãng xe Nhật chỉ có 15% Renault. Với quy mô lớn và lợi nhuận ngày càng tăng vài năm gần đây, Nissan muốn có thêm sức ảnh hưởng ở liên minh, bao gồm việc giảm tỷ lệ sở hữu của Renault tại công ty này.