Trong bài phát biểu gần đây tại lễ ra mắt chương trình Thạc sĩ Thương mại toàn cầu của Đại học RMIT, ông Olson kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và quan sát viên lưu ý một số yếu tố quan trọng khi đánh giá những ảnh hưởng của mâu thuẫn thương mại này lên Việt Nam.
Vì giới hạn quy mô lực lượng lao động cũng như cơ sở hạ tầng Việt Nam so với Trung Quốc sẽ khiến nhiều nhà sản xuất cuối cùng chọn ở lại Trung Quốc và chấp nhận chi phí xuất khẩu đi Mỹ cao hơn.
"Hãy nghĩ về một số lợi thế cạnh tranh, về lực lượng lao động. Tại Việt Nam, các bạn có khoảng 14,5 triệu công nhân lao động, trong khi Trung Quốc có tới 200 triệu. Nhưng vấn đề ở đây không nằm ở quy mô, mà là ở kỹ năng", ông nói.
Theo ông, lực lượng lao động Trung Quốc có tay nghề cao, đặc biệt khi cần đến chuyên môn về kỹ thuật - một điều kiện hết sức tiên quyết - để chế tác bậc cao trong những lĩnh vực như không gian hay trang thiết bị y tế phức tạp.
Vấn đề tiếp theo được ông lưu tâm là hạ tầng. "Cầu đường, cảng biển và đường sắt, những điều luôn được cân nhắc khi đưa ra các quyết định như ‘nên đặt nhà máy sản xuất ở đâu?’ và ‘nên thiết lập chuỗi cung ứng như thế nào?’", ông cho biết.
Thực tế, nếu xét mười cảng biển lớn nhất trên thế giới, sáu trong số này được đặt ở Trung Quốc. Còn cảng lớn nhất ở Việt Nam được đặt tại TP. Hồ Chí Minh xếp hạng thứ 25.
Mặt khác, gia tăng giao thương với Mỹ - kết quả từ việc các nhà sản xuất quyết định chuyển nhà máy đến Việt Nam để tránh chi phí xuất khẩu cao hơn - sẽ khiến Việt Nam lọt vào tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump.
"Tôi không cần cho các bạn biết về quan điểm của Washington cũng như thái độ của Tổng thống Trump với những nước giao thương nhiều với Mỹ. Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi thu hút quá nhiều sự chú ý phiền phức và bất lợi từ Washington", ông nhấn mạnh.