Nhắc đến Thế Giới Di Động, ai cũng biết đây là một thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Câu chuyện phát triển ấn tượng của Thế giới di động đi kèm với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thống nhất và mạnh mẽ. Sáu giá trị cốt lõi được Thế Giới Di Động nhấn mạnh bao gồm: Tận tâm với khách hàng, Trung thực, Integrity (Giữ nguyên từ tiếng Anh từ nguồn Thế Giới Di Động), Nhận trách nhiệm, Yêu thương và hỗ trợ đồng đội, Máu lửa với công việc.
Văn hóa doanh nghiệp của Thế giới di động là nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ tại Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp hoàn toàn thất bại khi áp dụng văn hóa của Thế giới di động. Vì sao xảy ra hiện tượng này và lời khuyên cho các chủ doanh nghiệp được truyền cảm hứng bởi Thế giới di động là gì? Câu hỏi này được đặt ra tại sự kiện Xây dựng văn hóa để tăng trưởng và tiết kiệm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do Học viện khởi nghiệp và nhân bản chuỗi bán lẻ Việt Nam thực hiện.
“Mình khuyên mọi người đừng copy văn hóa Thế giới di động. Cuối cùng ai là người thực thi. Để làm được thực thi đó và để thực thi được thì phải đến từ tâm của họ, tim của họ, ngấm vào máu của họ. Thấy người ta làm được nhưng nó không phải máu của mình. Không phải tim của các bạn, tâm của các bạn thì đừng làm”, ông Nguyễn Duy Linh, Phó Tổng Điện máy xanh (Thế giới di động), Đồng sáng lập Seedcom chia sẻ.
Ông Linh lấy dẫn chứng ngay cả Thế giới di động cũng thất bại khi bước chân vào ngành không nằm trong giá trị văn hóa của mình là thời trang. Vốn là gây dựng chuỗi Điện máy xanh từ đầu cũng như đồng hành cùng chủ tịch Nguyễn Đức Tài từ năm 2012, ông Linh cho biết thời trang không phải là văn hóa của Thế giới di động. Theo chuyên gia có gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ này, thời trang là ngành đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới liên tục trong sản phẩm và đây không phải là giá trị của Thế giới di động.
Ông Nguyễn Duy Linh đứng ngoài cùng bên trái.
“Để các bạn tồn tại phát triển các bạn phải nhìn vào công ty mình cần gì để phát triển chứ không phải nhìn sang công ty khác. Nếu các bạn không đủ niềm tin, bạn làm không tới, khả năng chết rất cao. Thế giới di động cũng phải mất 4-5 năm. Cá nhân Linh đã trải nghiệm rất nhiều việc áp đặt giá trị Thế giới di động vào doanh nghiệp vào và rất căng. Đừng copy ai cả hãy xem giá trị thực các bạn muốn là gì, các bạn quyết liệt làm tới cùng sống với nó”, ông Nguyễn Duy Linh đưa ra lời khuyên.
Để giải thích vì sao các doanh nghiệp dù bắt chước văn hóa doanh nghiệp rất tốt như của Thế giới di động, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Nguyên Tổng giám đốc Nhân tài và Văn hóa doanh nghiệp của quỹ Mekong Capital chỉ ra những sai lầm lớn nhất của các chủ doanh nghiệp.
Đầu tiên là sự cam kết và thay đổi làm mới của lãnh đạo. Lời nói của khiến nhân viên được truyền cảm hứng nhưng hành động của họ mới tạo ra kết quả. Vì vậy dù lãnh đạo doanh nghiệp vạch ra được tầm nhìn, truyền cảm hứng tới nhân nhân nhưng không có sự hành động nhất quán với những điều được nói ra thì nhân viên khó có thể tin được bởi lẽ văn hóa đi từ trên xuống.
Các diễn giả tại sự kiện về Xây dựng văn hóa để tăng trưởng và tiết kiệm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ 2 là các lãnh đạo doanh nghiệp quá nôn nóng. Làm văn hóa như là việc thay đổi hành động của cả 1 tổ chức sau đó xây dựng quy trình quy định để biến hành động mới này thành thói quen. Và điều này đòi hỏi thời gian.
“Không có thể nào hôm nay đi học, ngày mai rồi qua ngày hôm sau có kết quả. Giống như bạn đi tập gym vậy. Ngày đầu đi tập mệt, 1 tuần sau không thấy mình đẹp lên thế là bỏ. Nhưng nếu liên tục tập gym 3-6 tháng, bạn sẽ thấy cơ thể mình đẹp hơn tự dưng bạn sẽ thấy mình không đi tập là không được. Nó là con người của mình luôn”, bà Minh Giang lấy ví dụ cụ thể.
Thứ 3 tất cả nhân viên, đội ngũ trong tổ chức đều phải được tập trung vào đào tạo và huấn luyện. Họ phải được đào tạo, huấn luyện để hiểu tại sao phải thay đổi hành vi này. Từ nhân viên đến lãnh đạo các cấp phải có các khóa đào tạo khác nhau để biết họ cần phải thay đổi hành vi như thế nào.
Bà Giang lấy ví dụ từ Zappos có giá trị cốt lõi là Delivery wow through service và tạo ra trải nghiệm kết nối một cách cá nhân hóa nhất. Để làm được điều này, các nhân viên mới vào của Zappos được học để tạo ra những trải nghiệm cá nhân tốt nhất. Họ được đào tạo chi tiết từ cách nhìn vào mắt khách hàng khi nói, nhớ và gọi tên khách hàng. Mấu chốt của việc huấn luyện là để nhân viên biết cách làm việc tương ứng được giá trị cốt lõi doanh nghiệp đưa ra.
Thứ 4, nếu lãnh đạo tách văn hóa ra mà không có quy trình, quy định, chính sách khen thưởng thăng tiến thì VHDN không thể sống được. Nguyên TGĐ Nhân tài và VHDN Mekong Capital cho biết quỹ này phải dành ít nhất 3 năm để thay đổi làm mới các doanh nghiệp được Mekong Capital đầu tư vào như Vua nệm, G88, Nhất Tín. Ngay cả chính Mekong Capital hàng ngày vẫn liên tục làm mới các hoạt động trải nghiệm, văn hóa doanh nghiệp của mình.
Ngoài ông Nguyễn Duy Linh và bà Nguyễn Thị Minh Giang, sự kiện còn có sự góp mặt của Bà Bùi Phượng- HRM Công ty Tam Sơn, thuộc Tập đoàn Openasia (Hermès, Bottega Veneta, Saint Laurent, Kenzo...) và Host Thích Nhân Chuỗi HLV Trường Huấn Luyện & Đào Tạo Bán Lẻ Việt Nam.