Trở lại Diễn đàn kinh tế Việt Nam trong sáng 17/1, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn giữ quan điểm gay gắt với điện than. Ông đến và phát biểu với thông điệp: Nhu cầu năng lượng cần được thay thể, bổ sung bởi điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối... chứ không phải điện than.
Tại Mỹ, việc Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris, ông Kerry nói thẳng là bản thân không đồng ý. Nhiều quan chức Hoa Kỳ và người dân Mỹ cũng tương tự. 38/50 thống đốc các bang thuộc cả hai Đảng đều mong muốn duy trì thỏa thuận này. "Hiện chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng nên đừng nhầm lẫn".
70% nguồn điện mới được đưa vào lưới điện ở Mỹ là từ điện mặt trời, than chỉ chiếm tỷ trọng 0,2%. Nước Mỹ cũng đã không còn xây dựng các nhà máy điện than. "Chúng không hiệu quả cả về mặt kinh tế", ông nói. Thay vào đó, các nhà máy điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân đang được đầu tư.
Tuy nhiên, như ông thành thực nói, Việt Nam vẫn đang tập trung vào than, tương tự những nước trong khu vực Đông Nam Á.
"Than ở Đông Nam Á hiện nay tăng và sẽ tăng ở tỷ lệ nhanh nhất so với quốc gia khác trên thế giới, tăng 5% đến năm 2023. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương sản xuất 70% tổng lượng than hàng năm và khu vực này cũng tiêu thụ than nhiều nhất", ông Kerry nói.
"Điều này có nghĩa là chúng ta đang ở vị thế khai thác than lớn, vốn là yếu tố tác động lớn nhất đến phát thải nhà kính. Dù với bất cứ lựa chọn gì về công nghệ, kể cả công nghệ mới thì than vẫn là nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất", ông nhấn mạnh.
Vị cựu Ngoại trưởng Mỹ từng dành 30 năm để nghiên cứu về năng lượng cho rằng có nhiều lựa chọn khác ngoài than. Không cho rằng đây là câu chuyện lý tưởng, ông đơn giản cho rằng nó xuất phát từ thực tế là môi trường đang bị đe dọa nghiêm trọng, và biến đổi khí hậu đang hiện hữu.
"Đã có những người tị nạn trên thế giới bởi biến đổi khí hậu", ông Kerry chỉ ra.
Ảnh: Tuấn Mark
Với tình trạng Việt Nam có mức sử dụng than lên đến 75%, ông Kerry nhận định là không đúng. "Khi trao đổi với ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Bình đã nói với tôi rằng điều này không đúng, chúng ta cần phải làm cái gì đó", ông Kerry nhắc lại và cho biết giá than tại Việt Nam đang rất thấp, không có thị trường cạnh tranh vốn cần thiết cho những sự lựa chọn.
Ông cho biết một mặt Chính phủ Việt Nam cần phải đưa ra quyết định dài hạn không đầu tư vào than, những thứ ông tin rằng không hợp lý, một mặt, tư nhân cần tham gia mạnh hơn vào thị trường này.
"Việt Nam đã tham gia vào Thỏa thuận Paris, nhưng không chỉ ký kết là tốt, cần phải hiện thực hóa nó, ở đây phải thấy là than đã tăng 75%, là không được", ông nói.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam là nghiêm trọng kể từ năm 2008, theo ông Kerry. Có thời điểm mức độ ô nhiễm tại Hà Nội đã cao hơn Bắc Kinh và New Deli. Bệnh tật, cụ thể là những căn bệnh liên quan đến hô hấp, cũng bùng phát.
Chính sách năng lượng là chìa khóa duy nhất ở đây. Kỷ nguyên than, vốn gây ô nhiễm và tốn kém sẽ kết thúc nhờ vào những giải pháp tốt hơn từ năng lượng sạch.
"Điện mặt trời rẻ hơn than rất nhiều. Còn bất cứ ai nói điện than rẻ hơn là vì họ không tính đến những chi phí ngoại biên do than đá gây ra", ông Kerry lưu ý. Năng lượng tái tạo hiện rẻ hơn năng lượng hóa thạch 3 cent.
Việt Nam hoàn toàn có cơ sở tham gia vào câu chuyện năng lượng sạch, nhờ vào các điều kiện môi trường thuận lợi. Ví dụ về thủy điện, hiện Việt Nam mới chỉ dùng 31% công suất, trong khi đó, công suất thực sự là 45%. "Tuy nhiên, Việt Nam thích dùng than hơn".
"Tại sao không áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện từ năng lượng sạch, cơ chế huy động tài chính, không thúc đẩy thu hồi đất để có thể xây dựng đường truyền tải phù hợp hơn...", ông Kerry đặt hàng loạt câu hỏi.
"Chúng ta không nhất thiết là tù nhân phụ thuộc vào than", ông nói và cho biết câu trả lời là phải lắng nghe khoa học và ra những quyết định then chốt để thay đổi lịch sử.