Ngày 6-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ án Đặng Thanh Bình , cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với phần tranh luận.
VKS đề nghị bác toàn bộ kháng cáo
Phát biểu quan điểm, VKS cho rằng bị cáo Bình (kháng cáo toàn bộ bản án) đã có bút phê trái chỉ đạo của Thủ tướng. Bị cáo Bình đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, phương án tái cơ cấu, không biết rõ năng lực tài chính của nhóm cổ đông mới. Đây chính là nguyên nhân đổ vỡ phương án tái cơ cấu NH, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh biến NH thành công cụ phạm tội...
Theo VKS, cấp sơ thẩm truy tố, xét xử bị cáo về tội thiếu trách nhiệm là có cơ sở, đúng người, đúng tội. Cạnh đó, HĐXX sơ thẩm (TAND TP.HCM) đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo và tuyên phạt ba năm tù là phù hợp. Mức án đó là nhẹ nhất của khung hình phạt nên không có cơ sở xem xét giảm nhẹ.
Bốn bị cáo còn lại xin giảm nhẹ gồm: Hà Tấn Phước (cựu tổ trưởng tổ giám sát NHNH, phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An), Lê Văn Thanh (cựu chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An), Phạm Thế Tuân (cựu phó giám đốc NH Vietcombank Chi nhánh TP.HCM) và Ngô Văn Thanh (cựu phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ, NH Vietcombank Long An). Theo VKS, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hà Tấn Phước, Ngô Văn Thanh, Lê Văn Thanh và Phạm Thế Tuân không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ của mình, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi phạm tội.
Cấp sơ thẩm cũng đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ của bốn bị cáo như nhân thân tốt; chưa có tiền án, tiền sự; thành khẩn khai báo; gia đình có công với cách mạng; thời điểm đó hệ thống NH rơi vào khủng hoảng, tình hình phức tạp... Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng, mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên hoàn toàn tương xứng với hành vi phạm tội. Vì vậy không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo hay tuyên bằng thời gian tạm giam nên VKS đề nghị không chấp nhận tất cả kháng cáo.
Bị cáo Đặng Thanh Bình tại phiên tòa phúc thẩm . Ảnh: YẾN CHÂU
Không trái chỉ đạo của Thủ tướng?
Luật sư (LS) của bị cáo Bình cho rằng trong kháng cáo của Bình đã nêu những điểm bất cập và không chính xác của bản án sơ thẩm. Theo LS, những vấn đề quan trọng, hệ trọng của NH phải có sự quyết định của tập thể lãnh đạo NH. Ở đây, tái cơ cấu NH Đại Tín là một việc hệ trọng nên không thể do một cá nhân quyết định, ông Bình không tự quyết định vấn đề hệ trọng này. Tại cuộc họp, lãnh đạo NHNN đã thống nhất, đồng ý với tờ trình về việc cho NH Đại Tín tái cơ cấu bằng việc chấp nhận cho nhóm cổ đông của Phạm Công Danh tham gia…
Vấn đề thứ hai, LS của ông Bình cho rằng đánh giá năng lực tài chính là vấn đề quan trọng trong quá trình tái cơ cấu. Việc kiểm tra năng lực tài chính được thực hiện ngay từ đầu. Ông Bình chỉ đạo kiểm tra vốn sau này là kiểm tra nguồn tiền sử dụng góp vốn để đảm bảo đó không phải là tiền vay, tiền nhận ủy thác; xác định số vốn sở hữu của chủ đầu tư khi các bên thực hiện chuyển nhượng vốn. Bút phê của ông không có nội dung chỉ đạo không đánh giá năng lực đầu tư của nhóm đầu tư mới, không trái với chỉ đạo của Thủ tướng.
Cạnh đó, LS của ông Bình cho rằng NH Đại Tín nằm trong diện kiểm soát đặc biệt nên không xử lý hình sự đối với những người có liên quan đến việc tái cơ cấu với NH thuộc diện này. LS mong HĐXX xem xét không nên cách ly bị cáo Bình ra khỏi xã hội vì không cần thiết và đề nghị áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự, nếu không đủ cơ sở miễn trách nhiệm hình sự thì giảm hình phạt và cho Bình hưởng án treo.
Lê Văn Thanh khóc khi nói lời sau cùng
LS bào chữa cho bị cáo Phước và Lê Văn Thanh đồng tình với quan điểm của VKS về tội danh, chỉ đề cập đến các tình tiết giảm nhẹ khác của các bị cáo.
Tranh luận lại, VKS cho rằng bị cáo Bình là phó thống đốc, với tư cách cá nhân không thực hiện đúng chỉ đạo trong việc tái cơ cấu, không đánh giá được năng lực tài chính của chủ đầu tư, không có biện pháp quyết liệt trong việc giám sát dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng. Trách nhiệm cá nhân của ông Bình là thiếu trách nhiệm như cấp sơ thẩm quy kết.
Đối với ý kiến cho rằng có thể xử dưới khung hoặc chuyển qua hình phạt khác, VKS cho rằng việc truy tố Bình theo khoản 2 Điều 285 BLHS có mức hình phạt 3-12 năm tù. Với tính chất, mức độ hành vi của Bình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, việc buông lỏng quản lý ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia… nên mức hình phạt ba năm tù là phù hợp.
Nói lời sau cùng, các bị cáo đều cám ơn HĐXX và VKS tạo điều kiện cho bị cáo được trình bày tất cả nguyện vọng của mình. Bị cáo Bình mong HĐXX xem xét nếu không miễn trách nhiệm hình sự thì giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo. Còn bị cáo Lê Văn Thanh thì bật khóc nói mình ân hận về sự việc xảy ra, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, gia đình và bản thân bị cáo.
HĐXX thông báo sẽ nghị án kéo dài, dự kiến tuyên án vào ngày 10-12.
Nghị quyết của Chính phủ cho miễn trách nhiệm?
Tại tòa, đại diện NHNN cho rằng yêu cầu cấp bách là phải tái cơ cấu NH Đại Tín diễn ra trong giai đoạn rất khó khăn khi hàng loạt NH rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Với khối lượng công việc khổng lồ, áp lực nặng nề nhưng bị cáo Bình và các cựu thành viên của tổ giám sát luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tuân thủ đúng pháp luật.
Theo đại diện NHNN, Nghị quyết số 36/NQ-CP ngày 15-4-2017 đã cho phép việc miễn trách nhiệm đối với những người tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Vì vậy, NHNN mong HĐXX xem xét cho các bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm án, cho các bị cáo hưởng án treo.
Trong khi đó, nguyên văn nội dung nghị quyết mà đại diện NHNN đề cập như sau: "Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, việc quy định về miễn trách nhiệm là cần thiết, tuy nhiên cần quy định chặt chẽ theo hướng chỉ được miễn trách nhiệm về "kết quả" của việc thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, khi phương án cơ cấu lại không đạt mục tiêu do nguyên nhân khách quan và những người này đã làm hết trách nhiệm của mình. Trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành".