Điều mà Clete Willems, cựu phó giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia, lo ngại là việc ứng viên thua cuộc từ chối nhượng bộ hoặc đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kết quả bầu cử. Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối cho biết ông có chấp nhận kết quả bỏ phiếu hay không. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự chuyển giao quyền lực lộn xộn nếu ông Trump thua cuộc.
Thực tế, những thay đổi trong cuộc bầu cử năm nay, bao gồm cả việc bỏ phiếu qua thư, có thể khiến kết quả bầu cử không được công bố ngay lập tức. Thậm chí, ứng viên thua cuộc có thể viện lý do để không chấp nhận kết quả bỏ phiếu, thậm chí dẫn đến kiện tụng.
Hiện tại, Tổng thống Trump được coi là người "làm tốt một số vấn đề về pháp luật và trật tự". Điều đó rõ ràng có lợi cho ông Trump. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ đang đẩy nhanh việc đề cử người thay thế Cố Thẩm phán tòa Tối cao Ruth Bader Ginsburg, người vừa qua đời cuối tuần trước. Nếu người được đề cử là Amy Coney Barrett, một người được cho là theo đường lối bảo thủ, ông Trump sẽ càng có lợi.
"Tôi nghĩ đây sẽ là cuộc đua cực kỳ khốc liệt. Thật không may, chúng ta không thể có kết quả ngay lập tức. Có thể sẽ xảy ra kiện tụng sau đó. Hy vọng rằng, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này nhanh gọn để không xảy ra biến cố nào vào tháng Giêng (thời điểm chuyển giao quyền lực của nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ sau)", Willems nhận định.
Ở thời điểm hiện tại, đảng Dân chủ và Cộng hòa đang dồn toàn bộ sự chú ý cho chiếc ghế thẩm phán bị bỏ trống ở tòa Tối cao. Điều này sẽ tiếp tục làm đình trệ các cuộc đàm phán về gói kích thích tài khóa mới mà phố Wall đang nóng lòng chờ đợi.
Sự ra đi của bà Ginsburg tạo ra một cuộc chiến thực sự ở Tòa Tối cao, nơi đa số các thẩm phán hiện tại là người Cộng hòa. Nếu người ông Trump đề cử được Thượng viện phê chuẩn, những người được cho là bảo thủ sẽ chiếm áp đảo tại cơ quan này với 6/9 người. Nó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới luật pháp nước Mỹ trong cả một thế hệ.
Trong khi đó, các chuyên gia nói rằng nền kinh tế Mỹ cần được hỗ trợ thêm bởi những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cho gói kích thích tiếp theo đều rơi vào bế tắc vì cả hai đảng không thống nhất về các điều khoản của gói.
"Tôi nghĩ rằng gói kích thích tài chính tiếp theo sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Bầu không khí chính trị ở Washington bây giờ khá độc và nó mang màu sắc của cuộc bầu cử. Tôi nghĩ rằng mọi kỳ vọng về gói kích thích sẽ không thể thành hiện thực cho tới sau ngày 3/11", cựu phó giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia cho biết.
Khi tất cả mọi người, mọi nguồn lực, đều tập trung vào cuộc bầu cử chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra, không ai có thời gian để thực hiện những cuộc đàm phán cần thiết để đưa ra được một gói kích thích mới. Đó chính là điều mà phố Wall cần sẵn sàng bởi nếu xảy ra những tranh chấp với kết quả bầu cử ngày 3/11, họ có lẽ sẽ phải chờ lâu hơn nữa để có một gói kích thích kinh tế.