Đây là số liệu được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng xác nhận. Như vậy, với dư nợ hơn 90 ngàn tỷ đồng cho vay trong 9 tháng đầu năm 2017, so với năm 2016 đã tăng 3,53% và chiếm tỷ trọng 1,46% tổng dư nợ. Phần lớn các dự án BOT đều phải dựa vào vay vốn từ các tổ chức tín dụng do chủ đầu tư chỉ góp vốn từ 10-15%... Đây là nguyên nhân khiến cho vay BOT gặp nhiều rủi ro.
Theo thống kê, đến cuối tháng 12/2016, có tổng cộng 20 tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức 163.097 tỷ đồng, tổng số dư tín dụng 84.235 tỷ (chiếm hơn hai phần ba tín dụng cấp cho lĩnh vực giao thông).
Vậy những ngân hàng nào tham gia cho vay các dự án này? Được biết, 4 ngân hàng cho vay BOT lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB, chiếm 91% dư nợ, trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao.
Báo cáo của Chính phủ trước đó cho biết, phần lớn nguồn đầu tư thực hiện dự án BOT là từ ngân hàng, nhà đầu tư chỉ góp 10-15%. Theo đánh giá cuả các chuyên gia, dù tỷ lệ nợ xấu thấp, song việc các dự án BOT, BT chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn...
Thậm chí, nhiều dự án trong những năm đầu vận hành không có nguồn thu, không đủ trả lãi ngân hàng. Nhiều dự án bị chậm tiến độ, không giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng, khiến cho ngân hàng phải cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Theo báo cáo kết quả giám sát của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư (10-15% tổng mức đầu tư dự án) chưa xét tới phương án tài chính, mức độ rủi ro với từng dự án cụ thể, do đó trong những năm đầu đưa vào khai thác, nhà đầu tư khó thu xếp vốn để trả lãi cho các tổ chức tín dụng.
Không chỉ vậy, hầu hết năng lực tài chính của nhà đầu tư dự án BOT vẫn còn rất hạn chế, ít khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động, do vậy không đảm bảo vốn chủ sở hữu khi tham gia vào dự án, phải phụ thuộc vào các TCTD.
Liên quan đến vấn đề này, được biết Thống đốc NHNN có Chỉ thị 04 về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, yêu cầu các ngân hàng thẩm định chặt chẽ các dự án BOT, BT trước khi cho vay. Lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, các dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng, các dự án có áp dụng thu phí theo hình thức trạm thu phí không dừng. Không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.
Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng cần theo dõi chặt chẽ để nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT của Chính phủ và các Bộ có liên quan, đánh giá lại hiệu quả các dự án BOT khi mức phí thay đổi để có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn.
Mới đây, NHNN cũng đã yêu cầu Vietcombank sử dụng vốn từ nguồn phát hành trái phiếu của ngân hàng này tập trung vào lĩnh vực được ưu tiên, hạn chế cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nói trên.
Trên thực tế, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã đầu tư một nguồn vốn lớn tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông trong khi việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực này còn một số bất cập, chưa đánh giá đầy đủ những hạn chế liên quan và có thể gây nhiều rủi ro...