Tại báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, việc triển khai Chuẩn mực vốn Basel II tiếp tục được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Đến nay, có 76 tổ chức tín dụng (2 ngân hàng thương mại nhà nước, 20 ngân hàng thương mại cổ phần, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, còn 14 TCTD đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.
Trong đó, Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn theo Phương pháp tiêu chuẩn của Basel II (hiệu lực từ 01/01/2020). Theo đó, ngân hàng, chi nhánh NHNNg phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% (khác với Basel I, công thức tính tỷ lệ an toàn vốn được bổ sung vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường ngoài vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng theo quy định hiện hành).
Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để một số các TCTD chưa thực hiện được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN kể từ ngày 01/01/2020 xây dựng lộ trình phù hợp (nhưng không quá thời hạn 03 năm) để thực hiện theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
Được biết, hiện đã có nhiều ngân hàng hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II chứ không chỉ riêng trụ cột về tỷ lệ an toàn vốn, bao gồm MSB, VPBank, Vietcombank, VIB,...