Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017. Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9/2018.
Nắm chắc phần thắng, Hùng Vương gây "hụt hẫng" với mức thuế áp lên đến 3,87 USD/kg
Theo đó, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Hùng Vương là 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).
NTSF Seafood vẫn giữ mức 1,37 USD/kg so với mức thuế sơ bộ đã công bố trước.
4 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác là: C.P Vietnam; CL-FISH; GREEN FARMS SEAFOOD và VINH QUANG CORP áp mức thuế 1,37 USD, tăng 0,96 cent so với mức thuế sơ bộ.
Mức thuế suất toàn quốc vẫn áp dụng mức 2,39 USD/kg.
Trong hai tháng (tháng 2 và 3/2019) giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm lần lượt 22,8% và 44,4%. Do đột ngột giảm mạnh nên Mỹ vốn được dự báo trở lại thị trường XK hàng đầu của DN cá tra Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 3 (sau EU) đạt 71,16 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 15,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong quý 1/2019. Tính đến hết tháng 3/2019, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 71,16 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Với mức thuế CBPG chính thức vừa mới công bố sẽ có nhiều diễn biến mới đối với xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Dự báo, trong quý 2/2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường này có thể giảm tiếp.
Trở lại với Hùng Vương, cổ phiếu HVG hiện đã trải qua 3 phiên sàn, giao dịch tại mức 5.570 đồng/cp.
Đường quay về dần xa?
Hùng hồn tuyên bố tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, Chủ tịch Dương Công Minh khẳng định khả năng đạt được mức thuế tốt nhất cho Hùng Vương là 80%, 20% còn lại có rủi ro liên quan đến yếu tố chính trị. Và cho đến nay, chính trị liên quan đến Việt Nam – Mỹ hầu như không được đánh giá có rủi ro, hiện quan hệ giữa hai nước đang tốt. Theo đó, từ kỳ đánh giá POR 14 này, Hùng Vương nhấn mạnh không còn chiến lược đối phó từng năm mà sẽ thiết lập một kế hoạch lâu dài. Thậm chí, ông Minh còn khẳng định sẽ khướt từ vốn vay từ ngân hàng khi POR14 có kết quả, bởi lúc này dòng tiền đã về từ khách hàng!
"Chúng ta sẽ quay lại thời kỳ 2010-2011, và kế hoạch năm 2019 mà chúng tôi đưa ra là kịch bản xấu nhất, không bao gồm kết quả POR 14 sẽ được công bố vào ngày 19/4. Nếu kỳ ra soát POR 14 của Hùng Vương thành công, thì định hướng của chúng tôi là lâu dài, có thể khẳng định đến năm 2020 chúng tối quay về mục tiêu 20.000 tỷ doanh số/năm. Chúng tôi có thể mua lại cổ phần VTF đã bán cho Vingroup để phát triển lâu dài, bổ sung lợi thế Công ty hiện đang khép kín cơ sở nuôi trồng chế biến thức ăn (cá), tập trung đẩy mạnh thị trường xuất khẩu", ông Minh phân trần.
Được biết, ông Minh rất tự tin vào kết quả cuối cùng POR 14 sau khi chuẩn bị rất kỹ cho hồ sơ và thuế đợt POR 14, gồm nhiều luật sư, công ty chuyên phân tích số liệu, tổng vốn bỏ ra đến 2 triệu USD.
Song, kết quả công bố cuối cùng không đúng với dự tính, câu hỏi đặt ra Hùng Vương sẽ triển khai kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo như thế nào? Và kế hoạch năm 2019 là kịch bản xuất nhất hay ngược lại sẽ là kịch bản quá khả quan?