Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với mức lãi suất cao kỷ lục. Theo đó, khách hàng cá nhân mua chứng chỉ tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng sẽ được lãi suất hằng tháng 8,38%/năm, trong khi lĩnh lãi cuối kỳ lên tới 9,1%/năm.
Đây là ngân hàng tiếp theo tham gia "cuộc đua" phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn và đẩy lãi suất huy động qua kênh này lên mức cao mới.
Trước đó, một số ngân hàng thương mại đã phát hành chứng chỉ tiền gửi nhưng lãi suất xấp xỉ 9%/năm.
Nhu cầu huy động vốn trung dài hạn ở các ngân hàng tiếp tục tăng. Ảnh: NLĐ
Như Sacombank, ngân hàng này đang phát hành chứng chỉ tiền gửi trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Theo đó, khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) sẽ được nhận mức lãi suất 8,6%/năm.
Các ngân hàng BIDV, SHB, MSB… cũng vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp để huy động vốn trung dài hạn từ thị trường, với mức lãi suất cao nhất có thể lên tới 8,9%/năm.
Vì sao các ngân hàng thương mại sẵn sàng phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn với mức lãi suất cao hơn nhiều mặt bằng lãi suất huy động thông thường?
Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại lý giải khi ngân hàng có nhu cầu tài trợ dự án, cho vay khách hàng doanh nghiệp với mức lãi vay cao khoảng 10%-11%/năm, thậm chí 12%/năm, lúc đó ngân hàng sẵn sàng huy động vốn qua kênh chứng chỉ tiền gửi từ thị trường mức lãi suất cao hơn mặt bằng chung. Do đó, ngân hàng thường phát hành chứng chỉ tiền gửi theo đợt, và mức huy động khoảng vài ngàn tỉ đồng…
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho biết hiện nguồn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng. Tín dụng trung dài hạn chiếm tỉ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ). Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp và nền kinh tế, phát triển thị trường chứng khoán là điều kiện tất yếu, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là các nhu cầu vốn trung, dài hạn.