Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi có nơi lên 9,1%/năm. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng lại có xu hướng giảm, đặc biệt là tại các kỳ hạn ngắn.
Tại VPBank, lãi suất tiết kiệm thông thường kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,3-0,5 điểm % so với mức niêm yết vào tháng 1, kỳ hạn từ 6-11 tháng giảm 0,2-0,5 điểm %. Riêng lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2-0,3 điểm % tùy theo từng mức tiền gửi. Với các khoản tiền gửi dưới 300 triệu, kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng có lãi suất giảm 0,2-0,4 điểm %.
Hiện tại lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng ở VPBank dao động 4,8-5%/năm. Mức cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng cũng chỉ 7,8%/năm.
VIB cũng giảm 0,1 điểm % cho kỳ hạn 1-2 tháng và 9-11 tháng, 0,2 điểm % cho kỳ hạn 7-8 tháng và 12-13 tháng. Trên 13 tháng, lãi suất giữ nguyên.
Tương tự, Techcombank cũng giảm 0,4-0,6 điểm % cho khoản tiền gửi trên 6 tháng của khách hàng trên 50 tuổi mở mới. Lãi suất 12 tháng giảm 0,2 điểm % so với đầu năm.
Lãi suất đầu vào tại một số ngân hàng đã giảm 0,1 đến 0,4 điểm % tuỳ kỳ hạn. Ảnh: Liên Hương.
Theo giám đốc một ngân hàng cổ phần, xu hướng giảm lãi suất chỉ mang tính cục bộ và chủ yếu diễn ra tại các kỳ hạn ngắn. Thực tế, lãi suất tiền gửi ở nhiều ngân hàng vẫn đang được neo ở mức cao, thậm chí tại một số ngân hàng nhỏ, lãi suất áp dụng cho tiền gửi trung và dài hạn còn lên tới gần 9%/năm. “Nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng vẫn còn lớn, đặc biệt là các khoản tiền gửi trung và dài hạn”, vị này chia sẻ.
Một nguồn tin từ VPBank thì cho rằng lãi suất giảm xuất phát từ việc ngân hàng không chạy đua cạnh tranh lãi suất bằng mọi giá. Đây cũng có thể là xu hướng của không ít ngân hàng trong thời gian sắp tới.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn cấp cao NCB, lãi suất kỳ hạn ngắn tại một số ngân hàng giảm, kỳ hạn dài tăng cho thấy ngân hàng đang tăng cường huy động vốn trung, dài hạn.
Mặt khác, việc các ngân hàng không sử dụng hết trần cho thấy thanh khoản vẫn ổn định. Những tháng đầu năm, Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước mua ròng hơn 8,3 tỷ USD, tương ứng hơn 190.000 tỷ đồng được bơm ra khiến cho áp lực về thanh khoản trên thị trường hầu như không có. Do đó, tăng trưởng huy động thường xuyên cao hơn tăng trưởng cho vay.