Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tăng trưởng âm 9,8% năm 2020 khiến ngành dệt may bước vào năm 2021 với nhiều nỗi lo. Từ chỗ gần như tuyệt vọng do những đợt giãn cách kéo dài tại các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp dệt may ngược lại ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong quý cuối năm.
Vượt qua Bangladesh, năm 2021 thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới
Tổng kết, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Vượt qua Bangladesh, năm 2021 thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.
Theo đó, ngành dệt may tiếp tục là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, tương đương đóng góp đến 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Dù vậy, những căng thẳng thương mại cùng xu hướng chuyển dịch nguồn cung về sợi dệt và hàng dệt may đa dạng các khu vực, không phụ thuộc vào Trung Quốc tiếp tục là bài toán lớn với doanh nghiệp Việt.
Chia sẻ tại buổi tổng kết ngành dệt may mới đây, đại diện Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) đặc biệt nhấn mạnh về các chiến lược ưu tiên nhất trong mua hàng của đối tác ngoại, bao gồm đa dạng nguồn cung ngoài Trung Quốc. Cụ thể, đa dạng và cân bằng trong thị trường cung cấp theo CCI là ưu tiên số hai của khách hàng Mỹ hiện nay. Tức, yêu cầu bên cung cấp phải đa dạng nguồn cung ngoài Trung Quốc, cùng điều kiện ưu tiên hàng gần thị trường tiêu thụ và cân bằng chi phí thông qua hiệp định tự do thương mại.
Song song, khách hàng cũng chú trọng công tác truy xuất nguồn gốc và tính bền vững. Ghi nhận, 3 năm qua, các nhà bán lẻ cũng đã chuyển và đa dạng nguồn cung, trong đó phần lớn các công ty đã tiến hành giảm quy mô hoạt động tại Trung Quốc từ nhiều năm trước.
"Sau sự cố năm 2020, 100% nhãn hàng càng thêm lo lắng về vấn đề Tân Cương và các hành động giữ hay giải tỏa hàng", đại diện CCI nhấn mạnh. Nhìn chung, trong xu hướng tiêu dùng mới, cụ thể là xu hướng bền vững, các nhãn hàng thể hiện rõ chủ trương cần các đối tác tin cậy chứ không chỉ giá rẻ. Đây theo các chuyên gia là cơ hội cũng là thử thách cho doanh nghiệp Việt trên trường đua thế giới.
Năm 2021, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với 15,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020; EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 14%; Hàn Quốc đạt 3,6 tỷ USD và Trung Quốc 4,4 tỷ USD chủ yếu là xuất khẩu sợi.
"Bán chất xám thay vì bán nhân công"
Thực tế, gia nhập ngày càng sâu và rộng vào các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã sớm có phương án giảm phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như tăng cường hiện diện và mở rộng thị trường xuất. Không dừng lại, Việt Nam cũng kỳ vọng trở thành nhà cung cấp mới trong chiến lược phát triển bền vững của các thương hiệu lớn.
"Sản phẩm từ sợi vải xanh, tự nhiên cũng như từ sợi tính năng và các ứng dụng đa dạng từ dệt thoi đến dệt kim đang là lựa chọn tiêu biểu của một số đối tác hàng đầu. Bản thân các doanh nghiệp Việt những năm qua cũng chủ động đa dạng nguồn cung về nguyên liệu thô, sợi", người trong cuộc chia sẻ.
Với quan điểm "bán chất xám thay vì bán nhân công", đại diện Fastlink bổ sung: "Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, cơ hội để nâng tầm ngành dệt may nước nhà, không nên chỉ dừng lại ở việc trở thành ‘nhà máy gia công’ của thế giới. Dệt may Việt Nam cần làm chủ chuỗi cung ứng hơn, đầu tư phát triển nghiên cứu, thiết kế và năng lực sản xuất và tiếp thị. Có như thế, Việt Nam mới có thể bảo vệ thị trường may mặc nội địa trước và phát triển kinh tế sáng tạo cùng ngành dệt may". Faslink hiện cung cấp giải pháp về nguyên liệu xanh cho thị trường dệt may, thiết kế và sản xuất ODM các trang phục cho nhiều đối tác. Trong đó, các dòng sợi thiên nhiên như vỏ hàu, cà phê, sợi tre, sợi bạc hà… đang chiếm 70% tổng sản lượng của Faslink. Công ty đang cung ứng nguyên liệu thành phẩm cho các thương hiệu nội địa 8 triệu mét năm 2021 với mức tăng trưởng bình quân 15 – 30%/năm.
Về phía hiệp hội, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký, Trưởng VPĐD Vitax tại Tp.HCM – cũng nhấn mạnh khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam đã có những cam kết về lao động, về nguồn gốc nguyên liệu mình làm ra. Ví dụ, loại bông được dùng để tạo nên sợi vải cũng cần phải đảm bảo an toàn khi từ khâu nguyên liệu, và đối với người trồng cây bông (người lao động) cũng cần được tôn trọng và bảo vệ những lợi ích lao động. Đi theo xu hướng cam kết đó, Việt Nam phải thực hiện phát triển sản xuất bền vững.
Nhìn chung, doanh nghiệp cũng đã sớm chuyển mình để đón đầu cơ hội mới, dù vậy vẫn cần nhiều thời gian. Trong đó, năng lực R&D là một trong những thử thách và quan tâm đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay, bà nói.