Sau phiên 29/5 khi hoạt động bán giải chấp diễn ra khiến thị trường mất tới hơn 3%, ước tính tổng margin đã giảm xuống còn khoảng 38.000 tỷ đồng, thấp hơn hồi quý 1 năm nay. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mức dư nợ này đã an toàn hơn trước, và nếu không có thay đổi lớn sẽ đảm bảo không có một phiên giảm sốc tương tự. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng tổng dư nợ margin trên thị trường vẫn đang trên đà tăng kể từ 2014.
Định giá hợp lý hơn
Nhắc lại đợt điều chỉnh mạnh trong tháng 5 vừa qua, thực tế cho thấy tình trạng nghiêm trọng hơn dự đoán của nhiều chuyên gia. Theo VDSC, có ba nguyên nhân chính dẫn đến những lần giảm sốc, bao gồm:(1) hoạt động chốt lời - vốn đã bắt đầu từ tháng 4, (2) động thái bán ròng của khối ngoại và cuối cùng (3) là sức ép giảm dư nợ vay margin.
Cụ thể, thống kê chứng minh dư nợ margin đã giảm khá nhiều ở thời điểm cuối tháng 5, do đó sẽ không còn căng cứng ở thời điểm này. Có thể nhận định rằng, trong bối cảnh rủi ro bên ngoài vẫn hiện hữu, mức định giá của thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn. "Dòng tiền bắt đáy đã có dấu hiệu xuất hiện vào những phiên cuối tháng 5 và dự kiến sẽ còn tiếp tục hỗ trợ thị trường trong thời gian tới. Dẫu vậy, chỉ riêng điểm này thì chưa đủ để khẳng định về khả năng phục hồi bền vững của thị trường trong ngắn hạn", VDSC đặt vấn đề.
Mặt khác, sau đợt điều chỉnh, P/E của VN-Index đã về mức 18,5 lần, tương đương với lơi tức lợi nhuận E/P là 5,4%. Đây là mức tương đồng so với các thị trường khác trong khu vực, tức thị trường đanh được định giá hợp lý hơn.
Chưa kể, tăng trưởng lợi nhuận vẫn còn. Với việc tất cả các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh (KQKD), VDSC ước tính tăng trưởng lãi sau thuế trong quý 1/2018 của sàn HoSE vào khoảng 21%, riêng các ngân hàng đóng góp rất lớn vào mức tăng trưởng này. Cụ thể, có tới 7 ngân hàng góp mặt trong top 10 công ty có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng lợi nhuận. Sự bền vững của nhóm này vẫn còn là một dấu hỏi.
Tựu trung lại, đơn vị này cho rằng sự đi xuống của chỉ số thị trường trong 2 tháng qua là một nhịp điều chỉnh thời điểm (Time correction).
Điều chỉnh càng sâu, cơ hội phục hồi càng đến gần?
Bước sang tháng 6, với những tín hiệu tích cực như khối ngoại có thể đang tạm ngừng bán ròng, dư nợ vay margin đã giảm, cùng tâm lý của nhà đầu tư bắt đầu lạc quan hơn thì VDSC tin rằng một sự phục hồi trong ngắn hạn rất có thể sẽ xảy ra.
Song, thị trường vẫn sẽ dao động nhiều hơn thời gian tới! Bởi, thị trường thường mất một khoảng thời gian để hồi phục sau giai đoạn giảm mạnh, vì vậy không nhất thiết phải vội vã mua với khối lượng lớn. Nói đi cũng phải nói lại, điều chỉnh càng sâu, cơ hội phục hồi càng đến gần, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc đến việc các doanh nghiệp vẫn đang tăng trưởng, mức định giá của thị trường đã về gần với mức đầu năm… đây có vẻ là thời điểm thích hợp để tìm kiếm các cơ hội và dần dần tích lũy cổ phiếu.
Phân tích sâu, VDSC dự báo nhóm ngân hàng là những ứng cử viên có thể xem xét cho mục tiêu giao dịch ngắn hạn (theo các nhịp dao động của thị trường), khi mà nhóm này đã giảm đến 11% trong tháng 5 và 14% trong tháng 4/2018. Song song với đó, yếu tố hỗ trợ cho nhóm ngân hàng còn đến từ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm 2018, khi mà KQKD quý 1 vừa qua đã phần nào chỉ báo sớm cho điều này.
Được biết, tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lãi trước thuế của 14 ngân hàng niêm yết (HoSE, HNX, UpCOM) 3 tháng đầu năm đạt lần lượt 56,34 nghìn tỷ đồng (tăng 35%) và 20,13 nghìn tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này tương đương với 23-27% kế hoạch năm 2018, trong khi quý 1 lại thường là mùa thấp điểm của các ngân hàng.
Do đó, VDSC tin tưởng nhiều ngân hàng sẽ sớm đạt được kế hoạch đề ra trước thời điểm kết thúc năm tài chính. Thậm chí, cổ phiếu ngân hàng có thể được xem là cơ hội tốt khi mùa công bố KQKD quý 2 diễn ra.
Cổ phiếu hàng không hấp dẫn nhưng VJC thì không!
Còn cho mục tiêu đầu tư dài hạn hơn, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình theo VDSC sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn với mức định giá còn tương đối hấp dẫn. Trong nhóm này, nhà đầu tư có thể xem xét nhóm cổ phiếu thuộc ngành dịch vụ hàng không bởi lẽ:
+ Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ là một trong năm thị trường phát triển nhanh nhất về số lượng hành khách hàng không từ 2016-2035. Lưu lượng hành khách hàng đạt mức kỷ lục 94 triệu người trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 19,3% trong giai đoạn 2005-2016;
+ Du lịch ra quốc tế của người dân Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào (1) thu nhập tăng nhanh, (2) sự bùng nổ của các hãng hàng không giá rẻ. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều đường bay mới (cả trong nước và quốc tế) đã được mở, tần suất các chuyến bay cũng tăng lên và đội bay của các hãng hàng không trong nước cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua. Chính phủ cũng đã nỗ lực để thúc đẩy ngành du lịch bằng cách miễn thị thực đối với công dân đến từ Anh, Pháp, Đức và một số nước khác gần đây. Điều này dẫn đến hơn 10,9 triệu du khách quốc tế trong nước bằng đường hàng không vào năm 2017, tăng 32% theo năm. Riêng trong quý 1/2018, du khách nước ngoài đến Việt Nam bằng đường hàng không đạt 3,4 triệu lượt người, tăng 28% so với quý 1/2017;
+ Theo ước tính của Chính phủ trong quy hoạch tổng thể cho phát triển vận tải hàng không, lưu lượng hành khách hàng không sẽ đạt 131 triệu vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng trung bình 12% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2020. Nhiều dự án mở rộng sân bay đã được lên kế hoạch và thực hiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đi lại bằng đường hàng không. Tổng công suất đáp ứng của các sân bay sẽ tăng lên 144 triệu lượt hành khách mỗi năm vào năm 2020, cũng theo quy hoạch hoạch tổng thể của Chính phủ. Điều này sẽ tăng khả năng đáp ứng cho các tuyến quốc tế mới đến các thành phố lớn, hiện đang trong tình trạng quá tải.
Nhìn chung, hàng không và dịch vụ hàng không sẽ là những ngành được hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhanh nói trên. Trong đó, VDCS cho rằng mức định giá hiện tại của Vietjet Air (VJC) không còn hấp dẫn. Thay thế, công ty khuyến nghị mua đối với hai cổ phiếu khác thuộc nhóm dịch vụ hàng không như Taseco (AST)…
Biến động cổ phiếu VJC và AST 3 tháng gần đây