Chỉ số hàng hóa Bloomberg đã giảm khoảng 10% so với mức cao trong tháng 5 trong bối cảnh lo ngại rằng chiến tranh thương mại có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu, hạn chế nhu cầu đối với mọi thứ từ nhôm cho tới đậu tương. Ngay cả vàng, một tài sản an toàn truyền thống, cũng giảm khi USD được củng cố và Cục Dự trữ Liên bang báo hiệu tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay.
Đà bán tháo kim loại đã khiến chỉ số hàng hóa của Bloomberg vào vùng quá bán. Theo Gary Christie, người đứng đầu nghiên cứu Bắc Mỹ tại Trading Central ở Ottawa, trong khi chứng khoán thường phục hồi sau khi đạt tới các mức quá bán, thì có thể hàng hóa không có được sự phục hồi như thế.
Đà giảm giá đã tăng thêm khi chỉ số đã phá vỡ dưới đường xu hướng tăng ngày 11.7, kích hoạt đợt bán tháo, Christie cho hay. Quan sát các chỉ báo kỹ thuật, Christie nhận định “chưa có dấu hiệu đảo chiều nào” và xu hướng giảm đang gia tăng.
Áp lực tăng thêm
Vào ngày 2.7, Đồng, thường được xem như là một phong vũ biểu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, có chỉ số độ cường tương đối (RSI) 14 ngày của nó rơi xuống dưới 30, mức mà các nhà giao dịch thích dựa vào biểu đồ xem đó như một dấu hiệu một tài sản sẵn sàng phục hồi. Điều đó đã không xảy ra, khi kim loại mất khoảng 9% trong tháng này. RSI đạt 19,6 vào ngày 11.7, mức thấp nhất kể từ năm 2015, và vẫn dưới mức 30 trong mọi ngày giao dịch trong tháng này.
Kim loại màu đỏ, được sử dụng trong lưới điện, đường ống, dây điện, ô tô và các thiết bị điện tử, đã giảm từ mức cao trong năm nay vào đầu tháng 6 khi các quỹ bắt đầu đóng trạng thái đặt cược tăng giá và chuyển sang trạng thái cược giảm giá, Oliver Nugent, một chiến lược gia hàng hóa tại Ngân hàng ING NV, cho biết trong một báo cáo hôm 18.7.
Vào ngày 10 tháng 7, số vụ cược giảm giá của các nhà quản lý tiền tệ đã tăng gấp đôi số tiền đặt cược tăng giá vào đồng trên sàn Comex lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2016, theo dữ liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ.
Trong khi các vụ đặt cược giảm giá có thể thúc đẩy tăng giá ngắn hạn khi các quỹ mua vào để tất toán trạng thái bán, giá có thể sẽ vẫn "bị áp lực trong suốt quý," Nugent nhận định. Các nhà phân tích kỹ thuật cũng đồng ý.
“Tất cả các kim loại đều nằm trong vùng quá bán và dường như không có sự phục hồi trong ngắn hạn, vì dường như không có sự phân kỳ tăng trên MACD,” Christie nói.
Ngành năng lượng vẫn là một điểm sáng cho hàng hóa, khi giá dầu thô tăng cao.
Hôm 19.7, Ả rập Saudi bác bỏ lo ngại nước này sẽ bơm thêm dầu vào thị trường dầu mỏ. Thay vào đó, phái viên của nước này tại OPEC, Adeeb Al-Aama, dự báo dự trữ sẽ giảm trong nửa cuối năm do nhu cầu mạnh mẽ và tăng tiêu thụ theo mùa vụ.
Tăng phi mã
Dầu thô không đơn độc. Nỗ lực làm sạch không khí ở Trung Quốc có thể khiến triển vọng cho quặng sắt cao cấp mang màu sắc tích cực hơn. Nguyên liệu thô này có thể tăng lên 100 USD/tấn do Trung Quốc tăng cường chống ô nhiễm bằng cách hạn chế hoạt động công nghiệp, theo Wood Mackenzie. Sau khi giảm mạnh vào tháng 3, giá quặng chất lượng hàng đầu với hàm lượng sắt 65% đều tăng mỗi tháng, giao dịch trên 91USD/ tấn trong tuần này, và giữ được đà tăng giá trong năm nay ngay cả trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu, theo Mysteel.com.
Tuy nhiên, quặng sắt và dầu mỏ vẫn là ngoại lệ. Ngoài kim loại, các sản phẩm nông nghiệp cũng nằm trong số những mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy dự trữ đậu tương tăng 51% trong năm tới so với dự báo một tháng trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết trong một dự báo toàn cầu hàng tháng vào ngày 12.7. Đậu tương là trung tâm của chú ý sau khi Trung Quốc áp thuế đáp trả lên hàng nông sản của Mỹ.
Dù giá đậu tương giao vào tháng 11 gần đây đã tăng nhẹ, sau vụ thu hoạch ở Mỹ, giá loại hàng hóa này đã phải vật lộn để vượt lên trên mức trung bình động 15 ngày. Việc không thể vượt qua mức đó có thể có nghĩa là giá có thể giảm thêm sau khi đã giảm 16% trong quý trước, nhiều nhất kể từ năm 2016.