Dọc Quốc lộ 279 từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) lên cầu Pá Uôn (cây cầu cao nhất Đông Nam Á) bắc qua sông Đà, điểm nối giữa huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) với huyện Than Uyên (Lai Châu), du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những vạt đồi hoa gạo nở đỏ rực. Hoa gạo như vạt lửa hồng, tạo nên bức tranh thiên nhiên vùng sông nước thơ mộng, đẹp đến ngây lòng.
Quỳnh Nhai không chỉ được biết đến là vùng đất sông nước mênh mông, núi rừng trùng điệp và nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số thông qua các lễ hội, ẩm thực phong phú… Vùng đất này còn có những rừng cây gạo cổ thụ tuổi đời vài chục đến trăm tuổi. Tập trung nhiều nhất ở xã Mường Giàng, Chiềng Khoang... với 2 loại là cây gạo xanh và gạo đỏ.
Hoa gạo ở Quỳnh Nhai thường nở vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 dương lịch và kéo dài trong khoảng nửa tháng. Cầm một bông hoa gạo trên tay, nhiều người bồi hồi, nhớ da diết về một thời tuổi thơ.
Hoa gạo có công dụng tốt đối với sức khỏe con người. Hoa gạo không chỉ đẹp mà còn rất tốt cho sức khỏe. Hoa gạo được biết đến như một vị thuốc nam chữa được nhiều bệnh như: Bong gân, sưng nề do chấn thương, thanh nhiệt...
Cây gạo còn gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người.
Những cây gạo đứng phơi mình giữa nắng gió trên các triền đồi, mỗi khi có cơn gió ngang qua làm những bông hoa gạo rơi xuống mặt đất, tạo thành một thảm hoa đỏ rực.
Vào mùa hoa gạo, đám trẻ thường rủ nhau đến vui chơi thỏa thích dưới tán cây đầy hoa với những trò chơi: Nấu ăn, bán hàng, xếp hoa theo hình... Do đó, mỗi gốc gạo cổ thụ thường in dấu những kỷ niệm đẹp của trẻ thơ.
Vào mùa hoa gạo, ai có dịp xuôi thuyền theo bờ sông Đà, không khó để bắt gặp những cây gạo hoa nở đỏ thắm soi bóng xuống dòng sông xanh.
Với vùng cao Tây Bắc, mùa hoa gạo còn là lời nhắc nhở những nông dân Tây Bắc chuẩn bị bước vào vụ gieo trồng mới.