Đây là kết quả đánh giá từ Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam 2021 cho 15 tỉnh, thành, do Phái đoàn EU triển khai. Xếp sau Đà Nẵng là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế.
Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam 2021 (VTCI 2021) cho 15 tỉnh, thành, do các chuyên gia của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) thực hiện, với sự hỗ trợ của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV). Hội nghị trực tuyến công bố kết quả VTCI 2021 diễn ra chiều 18/1.
Theo báo cáo, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch với 4,7 điểm, xếp sau là Quảng Ninh (4,68 điểm), Khánh Hòa (4,56 điểm), Quảng Nam (4,55 điểm) và Thừa Thiên - Huế (4,52 điểm).
Trong số 15 tỉnh thành, hai trung tâm của cả nước là Hà Nội và TP.HCM, lần lượt xếp thứ 6 và thứ 8. Cần Thơ là địa phương xếp cuối bảng báo cáo này.
Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh của 15 địa phương (ảnh chụp từ Báo cáo của EU) |
Ông Kai Partale, chuyên gia Marketing du lịch và Phát triển vùng điểm đến (EU), cho rằng, Đà Nẵng dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến là bởi về thành phố đạt điểm cao về an toàn và an ninh, khả năng tiếp cận điều kiện vệ sinh và sức khỏe, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin cao... TP cũng luôn ưu tiên cho du lịch và lữ hành, thể hiện qua sự hiệu quả về hoạt động marketing và quảng bá thương hiệu để thu hút khách.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận qua đường hàng không và chất lượng hạ tầng du lịch ở Đà Nẵng rất tốt.
Đứng thứ hai là Quảng Ninh. Địa phương này cũng ghi nhận nhiều tiến bộ về năng lực cạnh tranh điểm đến nhờ đảm bảo an toàn và an ninh, hạ tầng giao thông, môi trường kinh doanh và mức độ sẵn sàng về CNTT,...
Về chỉ số cạnh tranh du lịch và lữ hành, tính đến năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19), Việt Nam xếp thứ 63 trong tổng số 140 quốc gia. Chỉ số này cho thấy xu hướng tích cực của Việt Nam khi nằm trong 69% nước tốt hơn trên tổng số 124 nước (năm 2007), vươn lên trong 44% nước tốt hơn trên tổng số 140 nước (2019). |
Tuy nhiên, Quảng Ninh cần chú ý khi sức cạnh tranh về giá ở mức thấp, nhất là giá bán lẻ đồ ăn. Đồng thời, cần cải thiện tài nguyên văn hóa, hạ tầng du lịch (cơ sở lưu trú và ăn uống) do mức độ hài lòng của khách còn thấp.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Quảng Ninh có chỉ số phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cao hơn rất nhiều so với Đà Nẵng, Khánh Hòa hay Hà Nội.
Do đó, ông Kai Partale nhấn mạnh, trong phát triển du lịch, các địa phương cần đặc biệt chú trọng tới yếu tố bền vững. Đó là sự cân bằng khi khai thác tài nguyên tự nhiên và đảm bảo tính bền vững về môi trường. Đây là điều mà Tổ chức Văn hóa, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) rất coi trọng.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các Sở VH-TT&DL Đằ Nẵng, Quảng Nam,... đều cho hay, kết quả báo cáo là phù hợp với thực tế. Các địa phương còn một số tiêu chí đạt điểm thấp, cần phải cải thiện trong năm 2022 và các năm tới để cải thiện năng lực cạnh tranh điểm đến hơn.
Đà Nẵng là điểm đến yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước (ảnh minh họa) |
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, đi du lịch quan trọng nhất là điểm đến. Du khách luôn quan tâm điểm đến có hấp dẫn không, có an toàn không, có sản phẩm gì mới,... 15 địa phương được chọn là những con chim đầu đàn có thế mạnh vượt trội về du lịch. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là hai đầu tàu dẫn dắt, lôi kéo.
Đây là những số liệu khách quan, minh bạch, công bằng nhất để các địa phương nhìn vào, nhận ra thế mạnh và hạn chế, từ đó có giải pháp phát huy, cải thiện. Bên cạnh chỉ số VTCI cấp tỉnh, từ đó cần sớm có bộ chỉ số du lịch cấp quốc gia.
Ông chỉ đạo, từ 5 tỉnh được xếp hạng, về lâu dài, trách nhiệm của các cơ quan quản lý du lịch là tự đánh giá. Nên chăng cần tiếp cận theo hướng tự các địa phương nhìn lại mình để thấy xa hơn. Không ai hiểu mình bằng mình, tự vận hành. Ông đề xuất, Tổng cục Du lịch, từ sự hỗ trợ của các chuyên gia, cần sớm tự đánh giá về năng lực cạnh tranh của chính mình, chứ không chờ một tổ chức quốc tế làm.
Năm 2019, Bộ Chỉ số VTCI 2019 đánh giá thí điểm trên 5 điểm đến, gồm Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.
Năm 2020-2021, Phái đoàn EU tiếp tục hỗ trợ đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch trên phạm vi 15 tỉnh, thành và sẽ bàn giao cho TAB và Ban IV từ đầu năm 2022 để tiếp tục phát triển, vận hành, nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của từng địa phương, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế du lịch.
Ngọc Hà