Ngày 29/5, UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt kết quả nghiên cứu đề án "Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng".
Theo đề án, trong giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn TP.Đà Nẵng có 38 dự án ưu tiên đầu tư trong công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền với tổng mức đầu tư khái toán khoảng 7.260 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Trong đó, vốn đầu tư cho công nghiệp là 5.700 tỷ đồng và vốn đầu tư cho dịch vụ là 1.560 tỷ đồng.
Cụ thể, 38 dự án này gồm các nhà máy đóng du thuyền, trung tâm sửa chữa, sữa chữa du thuyền, các ngành cơ khí chế tạo, tổ hợp cung ứng dịch vụ liên quan đến du thuyền cùng các bến du thuyền quốc tế và bến du thuyền thông thường.
Các bến du thuyền được ưu tiên đầu tư phát triển như: Bến du thuyền quốc tế trên sông Hàn ở phía đường Bạch Đằng (quận Hải Châu) với diện tích 1ha; Bến du thuyền quốc tế tại Khu đô thị Đa Phước (quận Hải Châu) với diện tích 3ha (giai đoạn 1); Bến du thuyền quốc tế Thuận Phước (quận Sơn Trà); Bến du thuyền khu vực cảng biển Tiên Sa (quận Sơn Trà); Bến du thuyền DHC Marina (quận Sơn Trà); Bến du thuyền Euro Village (quận Sơn Trà); Bến du thuyền Bạch Đằng ở gần cầu Nguyễn Văn Trỗi (quận Hải Châu); Bến du thuyền ở khu vực chân cầu Rồng (quận Hải Châu); Bến du thuyền tại Khu du lịch Làng Vân (quận Liên Chiểu)…
Trong giai đoạn đầu (đến 2025), Đà Nẵng sẽ ưu tiên đầu tư 8 dự án dịch vụ liên quan đến du thuyền với 2 bến du thuyền quốc tế.
Cụ thể, hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 bến du thuyền quốc tế trên sông Hàn (khu vực đường Bạch Đằng) diện tích 1ha và bến du thuyền quốc tế Khu đô thị quốc tế Đa Phước diện tích 3ha.
Theo đề án, tổng nhu cầu sử dụng đất phát triển công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền là 87ha. Trong đó, quỹ đất công công nghiệp là 64 ha và cho dịch vụ là 23ha.
Theo định hướng của đề án, Đà Nẵng tiếp tục duy trì các luồng tuyến du thuyền quốc tế như hiện trạng, đặc biệt là Singapore và Hồng Kông.
Bên cạnh đó, định hướng quảng bá mở rộng phạm vi đến các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore với nguồn khách thu nhập cao, có mức chi tiêu lớn.
Ngoài ra, Đà Nẵng tiếp tục duy trì khu vực hoạt động du thuyền quốc tế tại khu vực cảng Tiên Sa. Định hướng thí điểm chuyển đổi công năng 1 bến hiện trạng chuyên dành riêng cho du thuyền quốc tế vào giai đoạn 2023-2025 và bố trí các hạ tầng phục vụ khách du lịch quốc tế bằng đường biển tại bến này.
Tại các luồng tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ), tuyến sông Hàn – cầu Trần Thị Lý tiếp tục được đẩy mạnh.
Đồng thời, nghiên cứu phát triển các tuyến ĐTNĐ trong Đà Nẵng và Đà Nẵng – Quảng Nam như: sông Hàn – Ngũ Hành Sơn, sông Hàn – sông Vĩnh Điện – Hòn Kẽm Đá Dừng (sông Thu Bồn), sông Hàn – sông Vĩnh Điện sông Quá Giáng - sông Lạc Thành – sông Ái Nghĩa - sông Vu Gia, sông Cổ Cò…
Sau năm 2025, nghiên cứu phát triển các tuyến trên sông Cu Đê - Trường Định, bến Hầm Vàng. Ưu tiên đầu tư xây dựng các bến du thuyền ĐTNĐ tại khu vực cầu Rồng, công viên châu Á, Ngũ Hành Sơn nhằm thu hút và khôi phục nhu cầu khách du lịch sau đại dịch.
Về các tuyến ven biển, theo đề án, Đà Nẵng ưu tiên phát triển các tuyến gắn liền với du lịch biển đảo của Đà Nẵng như tuyến sông Hàn – cửa biển – bán đảo Sơn Trà; tuyến sông Hàn – Cù Lao Chàm; sông Hàn – Hòn Chảo.