Hối hả trên những công trường
Ghi nhận tại công trình cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý vào những ngày cuối năm 2020, nhịp độ xây dựng rất sôi động, nhiều máy móc và gần 100 công nhân được huy động để thi công dự án, các hạng mục công trình được gấp rút triển khai. Tại khu vực đóng cọc nhồi hầm chui và đường dẫn hai đầu cầu, đơn vị thi công đang vận chuyển máy móc sang các điểm đóng cọc mới sau khi đã tập trung làm suốt đêm. Ngoài ra, việc thi công dọc tuyến đường Duy Tân, tuyến đường 2 tháng 9 cũng đang được đơn vị nỗ lực hoàn thiện.
Là một trong những nhà thầu thi công công trình, Công ty CP Tập đoàn Cienco4 đã triển khai khoan cọc thử cũng như đánh giá chất lượng cọc để trình các bên liên quan quyết định, sau đó sẽ triển khai cọc đại trà. Trong giai đoạn này, đơn vị đang bố trí nhân công làm việc gần như 24/24 giờ thay ca, thiết bị vận hành hết công suất.
Ông Hoàng Đăng Tuấn, Đại diện Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho hay: "Để triển khai đạt kế hoạch đề ra, đơn vị luôn thể hiện quyết tâm, nỗ lực cao nhất với mục tiêu hoàn thành công trình đúng tiến độ. Tới đây, nhà thầu sẽ đẩy nhanh, hoàn thành các cọc để có thể dứt điểm xử lý đối với giai đoạn 1. Sau đó, nhà thầu sẽ tập trung hoàn thiện kết cấu theo như tiến độ đã lập. Tôi cũng hi vọng trong thời gian tới, thời tiết ổn định để anh em thi công đỡ vất vả cũng như tiến độ được đẩy nhanh hơn".
Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý được đầu tư hơn 723 tỷ đồng, với liên danh nhà thầu gồm: Công ty CP Tập đoàn Cienco 4, Công ty CP Xây dựng Xuân Quang, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành vào tháng 9/2021, tuy nhiên do phòng chống dịch và mưa bão đã tốn khá nhiều thời gian của dự án.
Đại diện BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Đà Nẵng cho biết, BQL đang yêu cầu nhà thầu ưu tiên máy móc, thiết bị và nhân lực để triển khai công trình. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua có một số vướng mắc từ các hộ gia đình trên tuyến đường Duy Tân cũng như các kỹ thuật trong thi công khiến tiến độ thi công dự án chững lại. Đến nay, BQL đã giải quyết xong các vướng mắc trên và đang triển khai thi công dự án trở lại.
Theo quy mô phê duyệt dự án cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, tuyến đường 2 tháng 9 sẽ có bề rộng cầu 14m, đường gom hai bên 6m, vỉa hè 3m; tuyến đường Duy Tân đoạn phần hầm và đường dẫn vào hầm đoạn từ Hoàng Diệu đến Bạch Đằng nối dài bề rộng hầm 15,5m. Đoạn từ Lê Đình Thám đến Hoàng Diệu và Bạch Đằng nối dài đến đầu cầu Trần Thị Lý bề rộng đường dẫn vào hầm 14,5m. Phần đường gom có bề rộng mặt đường từ 6-10,5m, bề rộng vỉa hè từ 2-7,5m; nút giao thông đường 2 tháng 9 - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý sẽ tổ chức giao thông khác mức 3 tầng. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại nút giao đường 2/9- Nguyễn Văn Trỗi -Trần Thị Lý; đồng thời tạo nên một trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay Đà Nẵng và đường biển phía Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng công suất sân bay Đà Nẵng.
Tương tự, tại công trình của các dự án: dự án cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà; dự án đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan; dự án tuyến đường vành đai phía tây (đoạn từ quốc lộ 14B đến tuyến đường Hồ Chí Minh); dự án đường ĐT 601; dự án đường ĐH2; dự án tuyến đường trục 1 Tây Bắc… các đơn vị nhà thầu cũng đang quyết liệt triển khai thi công nhằm bảo đảm tiến độ. Thực hiện nhiệm vụ được giao làm chủ đầu tư nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn TP. Đà Nẵng, thời gian qua, BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Đà Nẵng đã phát huy năng lực, kinh nghiệm, thường xuyên cử cán bộ theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật các công trình.
Giải ngân đẩy nhanh tiến độ
Ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn; tích cực thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích tiêu dùng nội địa…
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Đà Nẵng đã ban hành chương trình hành động để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn; trong đó, xác định tỷ lệ giải ngân đạt được theo mốc thời gian cụ thể và phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị. Các công trình không có khả năng hoặc chậm triển khai cũng được rà soát tiến độ thực hiện để chủ động đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn.
Đến nay, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt 5.656 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch Trung ương giao, tăng 3.291 tỷ đồng và gấp hơn 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Qua đó, phấn đấu đến hết năm 2020 (niên khóa tài chính thanh toán vốn đến hết ngày 31/1/2021) sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch Trung ương giao (kể cả 1.651 tỷ đồng kế hoạch vốn bổ sung năm 2020 cho dự án Nút giao thông khác mức ngã ba Huế).
Bên cạnh nhiều công trình, dự án trọng điểm, động lực đã được đẩy nhanh tiến độ thì cũng có các dự án đang chuẩn bị đầu tư và triển khai. Đặc biệt, 8 dự án cam kết hoàn thành để chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2020 đến nay đã hoàn thành 3 công trình; 3 công trình sẽ hoàn thành trong quý 4/2020 và 2 công trình đang được tập trung, đôn đốc.
Thành phố Đà Nẵng chọn năm 2021 làm năm "Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế"; trong đó có các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Song song với đó, các nhà thầu thi công cũng đã lập kế hoạch tiến độ chi tiết, bảo đảm nguồn nhân lực để tổ chức thi công, thi công các ngày lễ, Tết, nhất là đối với các công trình trọng điểm, động lực, nhanh chóng hoàn thành dự án.