Đó là thực trạng đang diễn ra tại dự án thi công đường vành đai phía Tây Đà Nẵng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư với mức kinh phí lên đến 1.500 tỷ đồng.
Những hộ dân cuối cùng tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang chưa chịu di dời khiến tiến độ dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau nhiều lần chậm tiến độ, chủ đầu tư dự án cho biết đang ráo riết yêu cầu nhà thầu tăng cường nhân lực vật lực tổng thi công hoàn thành bước "nước rút" cho toàn dự án. Tuy nhiên,vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng hiện nay đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.
Được biết, dự án đường vành đai phía Tây có điểm đầu tại QL14B (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), điểm cuối tại Km 19+177,30 nối trục đường chính của khu công nghệ thông tin tập trung đi qua địa bàn 05 xã: Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên.
Do vướng mặt bằng, đơn vị thi công buộc phải thuê đất mở đường công vụ vận chuyển vật liệu nhưng công tác triển khai vẫn vô cùng khó khăn.
Tổng chiều dài toàn tuyến là 19,187km, được khởi công vào 9/2018 và dự kiến hoàn thành ngày 10/2020. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, liên danh nhà thầu gồm Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn và Công ty Xây dựng công trình Giao thông 1 (CIENCO 1) là đơn vị thi công.
Gần đây, sau nhiều lần "hoãn" tiến độ, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã yêu cầu chủ đầu tư dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng và các nhà thầu tăng cường công tác thi công gấp rút hoàn thiện dự án.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tăng cường thi công ngay khi được bàn giao mặt bằng, nỗ lực ngày 30/6 thông tuyến cho toàn dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng.
Cũng theo chủ đầu tư dự án, các nhà thầu đang tăng cường nhân lực, thay thế bộ máy điều hành và bổ sung các mũi thi công.
Những hạng mục san lấp cuối cùng đang gấp rút hoàn thiện, nỗ lực thông tuyến toàn dự án vào ngày 30/6.
Ghi nhận tại hiện trường, các nhà thầu đã huy động nhân vật lực, máy móc tăng cường chở đất đá san lấp nền tại xã Nam Thành, Hòa Phong, huyện Hòa Vang; nguồn đất đắp từ Km0 ÷km4 được điều phối từ Km6 về để đắp, nhưng hiện tại vướng 05 hộ chưa giải phóng mặt bằng tại km4+200÷km4+400 nên nhà thầu phải thuê đất làm đường công vụ.
Tuy nhiên, do tuyến đường nhỏ nên nhà thầu không thể tăng cường thiết bị, các xe vận chuyển hiện phải chờ nối đuôi nhau khi lưu thông khiến việc đẩy nhanh tiến độ gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời, tại đoạn Km 0 - Km 2+100, nhà thầu CIENCO 1 đang thi công đắp đất mặt đường để các phương tiện có thể lưu thông.
Theo ông Hoàng Nguyên Sơn, cán bộ Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Đà Nẵng (điều hành gói thầu CIENCO 1) cho biết, hiện nay riêng đoạn Km 2+600 - Km 4 hoàn thành trên 50%. Về công tác san lấp, trung bình mỗi ngày gói thầu CIENCO 1 vận chuyển, đắp hơn 3.000 m3 đất và 1.000 m3 cát xử lý nền đất yếu.
"Với yêu cầu tiến độ đề ra như hiện nay, chúng tôi nỗ lực đến ngày 30/6/2022 sẽ thông tuyến đúng theo chỉ đạo của lãnh đạo TP Đà Nẵng"- ông Sơn khẳng định.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị địa phương sớm bàn giao mặt bằng để mở rộng tuyến thi công, tuy nhiên hiện tại công tác trên vẫn chưa được giải quyết triệt để nên nhà thầu buộc phải thuê đất của người dân để mở đường công vụ nhưng đường chỉ đủ di chuyển một làn khiến công tác thi công rất khó khăn.
Riêng với những hạng mục còn lại của dự án do Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công, nhà thầu cũng cam kết thông tuyến vào cuối tháng 9/2022 theo đúng yêu cầu của lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Trước đó, Thanh tra TP Đà Nẵng công bố kết luận thanh tra việc thực hiện dự án tuyến đường vành đai phía Tây, chỉ ra nhiều sai phạm dẫn đến chậm tiến độ. Cụ thể, thời điểm lập dự án, tư vấn chỉ xác định ảnh hưởng khoảng 117 hộ dân, trong đó có 95 hộ cần di dời, tái định cư (TĐC) và chỉ có 5ha chuẩn bị để bố trí TĐC nên lập dự án không đề xuất xây dựng khu TĐC. Khi triển khai thì có 369 hồ sơ đất ở cần phải thu hồi, số lô đất cần để bố trí TĐC là 625 lô và quỹ đất để bố trí TĐC xung quanh dự án không đáp ứng.
Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Đà Nẵng (chủ đầu tư) đánh giá, kiểm tra phương án giải phóng mặt bằng và công tác TĐC chưa sát với thực tế. Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải thẩm định chưa phù hợp với thực tế, Sở Kế hoạch đầu tư tham mưu UBND thành phố phê duyệt dự án nhưng không thể hiện phương án giải phóng mặt bằng và TĐC.