Giải quyết chỗ ở cho công nhân
Thống kê sơ bộ, Đà Nẵng hiện có hơn 27.000 lao động ngoại tỉnh và lượng lớn lao động nước ngoài đang làm việc trong các khu công nghiệp (KCN). Trong đó, phần lớn người lao động ngoại tỉnh đang thuê trọ gần các KCN để tiện cho việc đi làm. Theo khảo sát nhu cầu của công nhân tại các KCN do Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng thực hiện, dự báo số công nhân có nhu cầu về nhà ở đến năm 2030 là 62.433 người.
Để giải quyết bài toán lao động cho công nhân tại các khu công nghiệp, thời gian qua TP. Đà Nẵng đã triển khai và đưa một số dự án nhà ở xã hội tại khu vực các KCN trên địa bàn thành phố. Có thể kể đến dự án Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh với 1.404 căn hộ, khối thể dục thể thao - dịch vụ có diện tích 1.040m2 và trường mẫu giáo 300m2. Hiện nay, 6 block của dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 2 block còn lại đang xây dựng.
Hay dự án nhà ở CN KCN Hòa Cầm giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng do LĐLĐ TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 27.755 m2, gồm 278 phòng ở đơn và 7 phòng ở đôi, giải quyết chỗ ở cho khoảng 600 công nhân. Diện tích các phòng dao động từ 15,75 m2 đến 46,03 m2; giá cho thuê bình quân 18.500 đồng/m2 (đã bao gồm chi phí quản lý, vận hành), dao động từ 320.000 -1.300.000 đồng/phòng.
Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng còn có dự án nhà ở xã hội, dịch vụ thương mại và chung cư chất lượng cao thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside với 3.358 căn hộ, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành giai đoạn 1 vào năm 2022.
Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh. (Ảnh: Thành Vân)
Ngoài ra, một số dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 đang tiếp tục được triển khai để ưu tiên bố trí cho công nhân các KCN đang thu hút đầu tư như: Nhà ở xã hội tại KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2), nhà ở xã hội thuộc khu tái định cư Hòa Hiệp (quận Liên Chiểu), nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ).
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng thông tin, trên cơ sở đồ án điều chỉnh quy hoạch chung mà Thủ tướng đã phê duyệt, Sở đang rà soát, đánh giá và quy hoạch lại một số khu vực nhằm bảo đảm định hướng phát triển nhà ở xã hội đi đúng hướng, góp phần giải quyết căn cơ vấn đề nhà ở cho người lao động.
Tăng cường đầu tư nhà ở cho công nhân
Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến làn sóng người lao động ở Đà Nẵng về quê do lo sợ dịch bệnh. Điều này đã gây tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân KCN, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp cấp thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế đang được xã hội quan tâm.
Trước vấn đề này, mới đây, Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng đã đề xuất các cơ quan quản lý nguồn lao động và chủ đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng KCN cần khảo sát thực trạng, đánh giá nhu cầu, dự báo trong tương lai về nhà ở cho công nhân tại các KCN và lao động ở khu vực lân cận khi định hướng phát triển đô thị công nghiệp theo hình thức KCN - đô thị - dịch vụ.
Cùng với đó, Ban Quản lý cũng kiến nghị thành phố cần quy hoạch quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng các chung cư, nhà ở xã hội; gắn liền với các dịch vụ dân sinh, các thiết chế văn hóa, cơ sở y tế, giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, qua đó có thể thu hút, giữ chân lao động giỏi.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân KCN trên địa bàn TP. Đà Nẵng, UBND thành phố đã có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở công nhân KCN, các thiết chế văn hóa, dịch vụ phục vụ người lao động trong KCN.
Trong đó, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị chức năng có trách nhiệm tăng cường cải cách thủ tục hành chính; đề xuất cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Xây dựng điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021- 2030 để phù hợp với quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó.
"Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp", công văn nêu rõ.
UBND TP. Đà Nẵng cũng giao Sở KH&ĐT, Sở Tài chính bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.
Ngoài ra, Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng có trách nhiệm thường xuyên rà soát, tổng hợp nhu cầu về nhà ở của công nhân, người lao động tại các KCN hiện hữu và các KCN dự kiến đầu tư xây dựng; gắn trách nhiệm đầu tư nhà ở công nhân với việc đầu tư kết cấu hạ tầng KCN khi lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.