Sản xuất đình trệ do phụ thuộc công xưởng Trung Quốc
Theo số liệu UBND TP. Đà Nẵng cung cấp, tình hình sản xuất kinh doanh của thành phố quý I/2020 chịu sự tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19. Một số doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh do Trung Quốc - quốc gia được xem là công xưởng và cũng là thị trường tiêu thụ lớn của thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ kéo theo sự khó khăn của các doanh nghiệp trong các ngành khác, kể cả các doanh nghiệp không xuất nhập khẩu trực tiếp với Trung Quốc.
Cụ thể, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tháng 2/2020 ước giảm 46,6% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế ước giảm 41,7%, khách nội địa ước giảm 51,5%, doanh thu lưu trú ước giảm 35,6%....Thị trường khách Trung Quốc và Hàn Quốc tháng 3 ước giảm 100%, các thị trường trọng điểm tiềm năng khác như: Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Châu Âu và thị trường nội địa cũng giảm sâu đến 50-60%...
Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho hay, tình trạng khách hủy đoàn, hủy phòng, hủy dịch vụ khiến doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại nặng. Các doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng, cắt giảm hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí... Thậm chí, một số đơn vị phải tạm dừng hoạt động, nhiều đơn vị đang vay vốn ngân hàng để kinh doanh, nếu thua lỗ kéo dài có thể khiến đơn vị ngừng hoạt động.
Ngành du lịch ở Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vởi đại dịch Covid-19
Trong khi đó, về thương mại, Sở Công thương TP. Đà Nẵng cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 2/2020 trên địa bàn Đà Nẵng ước đạt 4.723 tỷ đồng, lũy kế 2 tháng ước đạt 10.200 tỷ đồng, chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2019 (Kế hoạch tăng 22,1%) và dự kiến quý I/2020 tăng 8-10%. Điều đáng nói, chỉ số thương mại tăng tập trung ở một số mặt hàng y tế, nhu yếu phẩm phục vụ phòng, chống dịch; đối với các mặt hàng khác, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. Còn các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, quán ăn, nhà hàng... bị ảnh hưởng do lượng khách du lịch giảm, người tiêu dùng hạn chế đi mua sắm, tụ tập ở những nơi công cộng, đông người do lo ngại lây nhiễm dịch bệnh. Lượng hàng hóa bán ra trong ngày tại các siêu thị Big C và Lotte... có lúc giảm đến 50% so với bình quân các ngày trong năm 2019.
Sở Công thương TP. Đà Nẵng thông tin thêm, về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2 tháng ước đầu năm của thành phố này chỉ đạt 218,3 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ 2019...Lý do tăng trưởng rất thấp bởi việc đóng cửa các cửa khẩu thương mại và các quy định nghiêm ngặt về thông quan trong bối cảnh kiểm soát dịch lây lan khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc cũng giảm mạnh (đường hàng không giảm 50-60%, đường biển giảm 20-40% so với cùng kỳ); hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng dự kiến cũng giảm khoảng 30%. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nguồn cung nguyên vật liệu từ các đối tác ở Trung Quốc không được khôi phục kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng...
Hàng trăm doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động
Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2020, đơn vị này đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 912 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 4.882 tỷ đồng, giảm 12,2% về số doanh nghiệp và giảm 10,3% về số vốn so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, có 170 doanh nghiệp giải thể và có tới 753 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 có tác động mạnh, đa chiều lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, làm gián đoạn các chuỗi giá trị, do hầu hết các doanh nghiệp ở Trung Quốc đang trong tình trạng ngưng trệ, các chuỗi sản xuất, logistics bị chặn bởi những kết nối, giao thương để tạm thời chống dịch.
Đối với Đà Nẵng, với cơ cấu kinh tế có khu vực dịch vụ chiếm 60% GRDP, công nghiệp chiếm 20-25%, thành phố Đà Nẵng có nhiều lĩnh vực phụ thuộc đầu vào trong chuỗi cung ứng sản xuất và các dịch vụ liên quan. Đặc biệt sự gián đoạn này dẫn đến lo ngại của người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch, sẽ tác động lớn đến lĩnh vực du lịch - dịch vụ của Đà Nẵng…
Đà Nẵng đẩy mạnh thúc đẩy kinh tế đêm và đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới. Ảnh: Lam Hàn
Để ứng phó với đại dịch Covid-19, UBND TP. Đà Nẵng đưa ra phương án, thúc đẩy quảng bá, xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đường biển, đường sông, chợ đêm, phố đi bộ… nhằm kích cầu thị trường trong nước. Tăng cường liên kết với các địa phương lân cận như Huế, Quảng Nam… để tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính liên vùng thu hút khách du lịch. Tăng cường thu hút khách du lịch từ các thị trường mới không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng ban hành cơ chế chính sách phát triển kinh tế về đêm. Hiện đã thí điểm Phố đêm 24/7 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, hoàn thành đầu tư, khai trương đi vào hoạt động dự án phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng trong năm 2020…Đồng thời, triển khai xúc tiến các đường bay quốc tế mới như: Nga, Ấn Độ... và điều chỉnh cơ cấu lại các thị trường mới, trong đó ưu tiên thị trường Nga, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Tây Âu (Pháp, Đức), Úc, Bắc Mỹ sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Đặc biệt, trong năm 2020, Đà Nẵng sẽ tổ chức “Diễn đàn các thị trưởng và Diễn đàn đầu tư năm 2020". Đây là cơ hội để Đà Nẵng quảng bá, xúc tiến đầu tư vào thành phố. Ngoài sự kiện này, Đà Nẵng tập trung vào việc duy trì hợp tác, kết nối với các tổ chức quốc tế như JETRO, KOTRA, AMCHAM, AUSCHAM, SBF, IE Singapore, AHK… nhằm kết nối doanh nghiệp, hợp tác về xúc tiến đầu tư…