Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng đã triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và trình Bộ Giao thông vận tải và bộ đã có Báo cáo thẩm định số 4596/BGTVT-KHĐT ngày 4/5/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, Đà Nẵng đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo các ý kiến thẩm định của các bộ, ngành; đồng thời có Tờ trình số 6642/TTr-UBND ngày 27/8/2018 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải theo quy định
Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng lượng hàng hóa của cảng Đà Nẵng hiện đạt 16,2%/năm (22,6%/năm với hàng container) và dự báo sẽ tăng lên khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030.
Lượng hàng này sẽ vượt quá năng lực của cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà) sau năm 2020, đồng thời vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô thành phố, gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, tác động môi trường, gây tiêu cực đến định hướng phát triển du lịch của thành phố.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, lưu lượng vận chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa qua đường Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn tăng cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe tải, xe container gây ra làm chết người, ảnh hưởng đến môi trường du lịch thành phố và gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, việc sớm đầu tư cảng Liên Chiểu là rất cần thiết và cấp bách.
Để sớm triển khai thực hiện dự án và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2022, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý chủ trương bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án từ nguồn 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của cả nước theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội.
UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có báo cáo kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án và thống nhất giao UBND thành phố Đà Nẵng là cơ quan chủ quản dự án.
Theo thông tin từ UBND TP Đà Nẵng, Công ty Tư vấn cảng Nhật Bản (JPC) và Viện Phát triển khu vực ven biển nước ngoài Nhật Bản (OCDI) đã có báo cáo kết quả cuối cùng của nghiên cứu tiền khả thi dự án phát triển cảng Liên Chiểu do 2 đơn vị phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Bộ Kinh tế - thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI).
Phương án mà nhà đầu tư Nhật Bản đưa ra có tổng mức đầu tư thấp hơn phương án do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (TediPort - thuộc Bộ Giao thông vận tải) đề xuất hơn 2.300 tỷ đồng.
Theo đó, giai đoạn 1, dự án sẽ xây 1 bến hàng tổng hợp và 1 bến container, sẽ được hoàn thành vào năm 2022. Về phân chia chức năng, cảng Liên Chiểu sẽ dành để bốc xếp hàng tổng hợp và hàng container, cảng Tiên Sa sẽ dần chuyển đổi công năng để chuyên phục vụ du lịch và tiếp nhận các tàu khách lớn.
Về nguồn lực đầu tư, dự án sẽ triển khai theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Cụ thể, phần đê chắn sóng và nạo vét luồng tàu vào cảng sẽ được triển khai từ nguồn vốn ngân sách, trong đó có cân nhắc khả năng vay vốn ODA do Chính phủ Việt Nam đứng ra vay, thành phố Đà Nẵng sẽ vay lại. Các hạng mục công trình phục vụ khai thác bến dự kiến sẽ huy động đầu tư từ nguồn vốn của tư nhân.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo phương án 2a của JPC đề xuất là 5.581 tỷ đồng, bao gồm Nhà nước đầu tư 2.792 tỷ đồng và tư nhân đầu tư 2.788 tỷ đồng. Trong khi đó, phương án do TediPort đề xuất có tổng mức đầu tư là 7.913 tỷ đồng, bao gồm Nhà nước đầu tư 3.983 tỷ đồng và tư nhân đầu tư 3.930 tỷ đồng.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu, cùng với dự án di dời ga đường sắt và Tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng, được thành phố Đà Nẵng xác định là 2 dự án trọng điểm có vai trò quyết định then chốt đối với sự phát triển chung của Đà Nẵng trong tương lai và khu vực phía Tây và Tây Bắc nói riêng.