Tối 12/9, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay vừa tháp tùng đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh dẫn đầu sang một số nước châu Âu học tập mô hình xây dựng TP thông minh, kiến trúc xanh, đô thị sân bay… Trong đó, đoàn dành nhiều thời gian tại Hà Lan để tham khảo mô hình “đô thị sân bay”.
Không những không di dời sân bay mà Đà Nẵng sẽ học theo mô hình "đô thị sân bay" của Hà Lan (Ảnh: HC)
“Mục đích của Bộ Xây dựng là học tập kinh nghiệm làm đô thị sân bay để về làm cho Đà Nẵng, nên Đà Nẵng là địa phương duy nhất có đại diện tham gia với Bộ Xây dựng trong chuyến công tác này. Hiện tôi đang viết báo cáo để chuẩn bị báo cáo với lãnh đạo TP về kết quả chuyến đi. Sắp tới phía Hà Lan sẽ chuyển cho Đà Nẵng các tài liệu về mô hình đô thị sân bay vốn rất thành công của nước này!” – ông Vũ Quang Hùng nói.
Ông cũng cho biết, qua chuyến công tác, lãnh đạo Bộ Xây dựng rất quyết tâm áp dụng mô hình đô thị sân bay đối với Đà Nẵng vì nhận thấy TP cơ bản hội đủ các yếu tố cần thiết. Cho nên ông khá ngạc nhiên khi vừa về tới Việt Nam thì hay tin có một số ý kiến tai hội thảo do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) tổ chức sáng 8/9 cho rằng việc áp dụng mô hình đô thị sân bay đối với sân bay Đà Nẵng là không khả thi và đề xuất di dời sân bay này!
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, tại hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP Đà Nẵng” do VUPDA tổ chức sáng 8/9 đã có một số ý kiến cho rằng cần di dời sân bay Đà Nẵng hiện nay để lấy hơn 800ha đất xây dựng, phát triển trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị… Trong đó, KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS tỉnh Quảng Nam cho rằng việc áp dụng mô hình đô thị sân bay với sân bay Đà Nẵng là không khả thi mà nên di dời sân bay này vào Chu Lai (Quảng Nam) là hợp lý nhất!
Tuy nhiên TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn (Hoa Kỳ) nhấn mạnh, không nên đặt vấn đề di dời sân bay Đà Nẵng mà nên áp dụng mô hình khu đô thị sân bay từ việc quy hoạch lại khu vực bán kính 1 - 2km quanh sân bay. Trong đó hoàn chỉnh tuyến đường vành đai sân bay để khi nâng cấp sân bay không bị hạn chế bởi giao thông kết nối, vừa tạo giá trị cho quỹ đất khu vực vành đai này để phát triển logistics, thương mại...
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng nên tổ chức quy hoạch chiều cao và quy hoạch không gian cây xanh cách ly và đô thị ven sân bay, đặc biệt là ở 2 đầu sân bay để đảm bảo phát triển đô thị hài hòa với phát triển sân bay một cách bền vững. Có thể phát triển sân bay tương lai với tiêu chuẩn môi trường đô thị phù hợp.
Đồng thời xem xét khả năng mở tuyến đường đô thị kết nối Đông - Tây ngầm dưới đường băng sân bay để giảm ách tắc giao thông và tạo sự thuận tiện đi lại giữa khu vực trung tâm hiện hữu với khu vực phía Tây sân bay. Việc kết nối này cũng sẽ giúp nâng công suất sân bay dễ dàng sau này với nhà ga, cả trong và ngoài phạm vi hàng không.
Đồng tình với quan điểm của TSKH.KTS, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho rằng ngày nay các cảng hàng không (CHK) không còn đơn thuần là hạ tầng phục vụ giao thông, mà đã trở thành các cơ sở đa chức năng, đa phương thức, tạo ra sự phát triển thương mại mạnh mẽ. Sự xuất hiện các khu đô thị sân bay cung cấp bằng chứng về sự phát triển GTVT tiên tiến của một quốc gia hoặc một khu vực, vì nó đóng vai trò là động lực cho ngành công nghiệp quốc gia và là cửa ngõ cho toàn cầu hoá kinh tế.
Trên thế giới đã có nhiều mô hình đô thị sân bay thành công, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương và đất nước. Đơn cử, sân bay Amsterdam Schiphol của Hà Lan có khu vực mua sắm lớn, mang lại nguồn thu lớn và là điểm thu hút khách đi máy bay. Trung tâm Schiphol Plaza miễn thuế không chỉ thu hút khách hàng không mà cả khách vãng lai. Từ tháng 10/2006, tại Schiphol có dịch vụ tổ chức kết hôn và nghỉ trăng mật. Thậm chí Schiphol còn có nhà xác, nơi người chết có thể được tạm lưu giữ…
Tất cả các chức năng của một trung tâm đô thị hiện đại đều có mặt trên hoặc xung quanh các CHK. Các khu vực CHK được phát triển thành một “hình ảnh thương hiệu”, thu hút cả các hoạt động kinh doanh không liên quan đến CHK. Sự phát triển thương mại nhanh chóng tại các CHK và khu vực xung quanh đã biến CHK thành yếu tố hàng đầu trong tạo ra tăng trưởng đô thị, bởi các vùng CHK đang dần trở thành các tụ điểm mua sắm, kinh doanh, giao thương và tạo ra việc làm, còn được biết đến là đô thị sân bay. Do đó, phối hợp được quá trình này một cách có tổ chức là điều rất quan trọng.
Cũng trong chiều tối 12/9, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Đà Nẵng đã ra thông cáo kết luận hội thảo “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP Đà Nẵng” do VUPDA tổ chức sáng 8/9. Trong đó nêu rõ: “Vấn đề một vài ý kiến có nên di dời sân bay để lấy quỹ đất xây dựng khu đô thị đa trung tâm mang tầm vóc quốc tế không nằm trong chủ đề trọng tâm của Hội thảo này. Ban tổ chức tiếp thu và xem đây là ý tưởng được ghi nhận tại hội thảo. Vấn đề hiện nay và lâu dài đối với Đà Nẵng là cần phải có sân bay. Vì đây là sự hấp dẫn của TP hạt nhân, động lực trong tương lai, là điểm đến của các nhà đầu tư và khách du lịch. Nếu có ý tưởng di dời thì đứng ở tầm nhìn chiến lược đó không phải là một đề xuất tốt”.