Chiều 13/1, tại hội nghị gặp mặt cộng tác viên năm 2019, Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng Nguyễn Đình Ân cho hay, một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm của ngành thuế TP Đà Nẵng trong năm 2020 là cùng với UBND các quận, huyện triển khai thực hiện Nghị định 79/2019/NĐ-CP (ban hành ngày 26/10/2019, có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2019) sửa đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng, phát biểu tại Hội nghị cộng tác viên chiều 13/1 (Ảnh: HC) |
"Đây là Nghị định của Chính phủ về xử lý nợ tiền sử dụng đất tái định cư của người dân. Cái này là cực kỳ khó, nếu không tuyên truyền sâu rộng, người dân không nắm bắt thì đến ngày 1/3/2021, những người dân nợ tiền sử dụng đất tái định cư sẽ không thể có khả năng nộp tiền nợ theo giá đất tại thời điểm ngày 1/3/2021" – Ông Nguyễn Đình Ân nói.
Được biết, tính đến ngày 31/1/2019, tại Đà Nẵng có 6.958 hộ nợ tiền đất tái định cư với số tiền 866,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Ân cho hay, từ nay đến ngày 1/3/2021, ngành thuế Đà Nẵng còn 13 tháng, phải tập trung tuyên truyền cho người dân nắm bắt được Nghị định 79/2019/ND-CP để thực hiện.
Một trong những điểm quan trọng nhất của Nghị định 79/2019/NĐ-CP là quy định đối với các hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật từng thời kỳ trước ngày 1/3/2016, đến trước ngày 10/12/2019 mà chưa thanh toán hết nợ tiền sử dụng đất.
Theo đó, họ tiếp tục được thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận (hoặc theo số tiền ghi trên Giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định của pháp luật) đến hết ngày 28/2/2021. Quy định này không áp dụng đối với số tiền sử dụng đất thanh toán nợ mà hộ gia đình, cá nhân đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Kể từ ngày 1/3/2021 trở về sau thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.
"UBND TP Đà Nẵng đã giao UBND các quận, huyện thông báo đến từng tổ dân phố, đến tận người dân, nhưng vừa rồi chúng tôi theo dõi thì gần như thông tin đến người dân còn rất hạn chế, trong khi đây là cơ hội của những người dân nợ tiền sử dụng đất trên địa bàn TP những năm trước đây. Nếu không xử lý được dứt điểm lần này thì người dân sẽ không có khả năng trả nợ tiền sử dụng đất trong quá trình tái định cư!" – Ông Nguyễn Đình Ân nhấn mạnh.
Ông Đoàn Xuân Hiếu, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cũng nhấn mạnh, bên cạnh tuyên truyền các chính sách pháp luật về thuế thì ngành thuế TP cũng phải đồng hành với chính quyền các quận, huyện trong việc tuyên truyền Nghị định 79/2019/ND-CP đến gần 7.000 hộ dân nợ tiền sử dụng đất tái định cư những năm trước đây trên địa bàn TP kịp thời nộp số tiền còn nợ trước thời hạn 1/3/2021.
Ông Đoàn Xuân Hiếu cũng cho biết, qua tiếp nhận đơn và tiếp xúc với người dân thì bà con hầu như không nắm được thông tin về nộp tiền sử dụng đất tái định cư còn nợ, và không hình dung được với việc nợ như thế thì đến thời điểm trả nợ số tiền sẽ tăng lên đến mức nào… Vì vậy, cần tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân còn nợ tiền sử dụng đất để nộp đúng, nộp đủ vì việc này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ.
Theo ông Nguyễn Đình Ân, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP Đà Nẵng 20 năm qua, đã có rất nhiều người dân nợ tiền sử dụng đất tái định cư. Mới đây, ông tiếp nhận một trường hợp mà theo ông cho là "rất xót xa". Đó là một hộ dân nợ 14 triệu đồng tiền sử dụng đất tái định cư năm 2013, ghi vào sổ chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2019, hộ dân này lên Chi cục Thuế đề nghị tính số nợ để nộp, thì số tiền nợ thuế đất đã lên tới 154 triệu đồng!
"Cơ quan thuế phải tính theo đúng giá quy định, từ 14 triệu lên 154 triệu, hộ dân này phát hoảng, làm đơn kêu cứu. Nhưng ngành thuế không có quyền, cơ quan thuế chỉ xử lý những kết quả của các ngành chứ cơ quan thuế không có quyền giải quyết những trường hợp này được. Nếu hộ dân đó vẫn chưa nộp khoản tiền nợ đó thì nay họ sẽ được nộp theo Nghị định 79/2019/ND-CP.
Thực hiện theo Nghị định 79/2019/NĐ-CP thì người dân rất có lợi. Đây là một Nghị định rất nhân văn. Vì vậy chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí chung tay chuyển tải chủ trương này đến người dân để thực hiện, nhằm giải tỏa nợ nần của người dân đã để quá lâu, nhiều người thậm chí đã 15 – 20 năm không trả nợ được vì số tiền cứ tăng lên, tăng lên mãi!" – Ông Nguyễn Đình Ân nhấn mạnh.