Sáng 23/4, ngày đầu tiên Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều dịch vụ đã trở lại hoạt động, cuộc sống thường nhật đã dần trở lại bình thường. Tuy vậy, theo ghi nhận của PV Dân Việt trên một số tuyến phố chính của thành phố, nhiều cửa hàng kinh doanh vẫn trong trạng thái “cài then”, một số cửa hàng treo biển hạ giá từ dịp Tết Nguyên đán đến nay. Thậm chí, một số nơi còn treo bảng cho thuê mặt bằng.
“Bán bây giờ cũng không có người mua vì dịch ai đâu đi sắm quần áo, buôn bán thì ế ẩm nhưng tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả. Tôi đang cố cầm cự tháng này xem sao nếu không được thì chắc nghỉ bán. Mọi người quanh đây cũng trả mặt bằng cả rồi”, chị Nhật Lệ, một chủ cửa hàng trên đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng) cho hay.
Nhiều cửa hàng kinh doanh vẫn trong trạng thái “cài then” trong ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội.
Nhiều cửa hàng còn lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi hợp đồng thuê mặt bằng đã đóng 3 năm. “Tiền thuê mặt bằng thì đã đóng, hàng thì từ Tết đến nay vẫn còn y nguyên, giờ mà đóng cửa thì mất luôn cả chì lẫn chài. Thôi, tôi cũng cố, nhân viên ở shop hiện cũng đã cho nghỉ hết. Hi vọng sau dịch buôn bán được để còn trang trải”, một chủ shop trên đường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) than thở.
Có thể nói, sau hơn 3 tháng sống chung với dịch, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã “thấm đòn” Covid-19. Phải đóng cửa cửa hàng, cho nhân viên nghỉ việc cùng với lo lắng về sức mua có trở lại hay, liệu có hộ kinh doanh có nằm trong chính sách hỗ trợ nào hay không… là những vấn đề được đặt ra lúc này của hầu hết các cửa hàng, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận thực tế được PV ghi lại trong ngày 23/4, ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội tại Đà Nẵng:
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Đường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) - con đường vốn dĩ nhộp nhịp bởi các cơ sở kinh doanh dịch vụ giờ đây cũng trở nên vắng lặng.
Nhiều cửa hàng buộc phải sang quán.
Hàng loạt các mặt bằng đều được treo biển cho thuê,
Một số cửa hàng treo biển hạ giá từ dịp Tết Nguyên đán đến nay.