88% khách Trung Quốc đi “tour giá rẻ”
Như tin đã đưa, năm 2019, tổng lượng khách đến Đà Nẵng tham quan, du lịch ước gần 8,7 triệu lượt, tăng 13,4% so với năm 2018; tổng thu du lịch ước đạt hơn 30.000 tỉ đồng, tăng 16,7%; tỉ trọng đóng góp của hoạt động du lịch trong khối dịch vụ, du lịch của TP chiếm 38% (trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng hiện nay, tỉ trọng của khối dịch vụ chiếm 68%).
Đông đảo du khách Trung Quốc đến tham quan chùa Linh Ứng bãi Bụt ở bán đảo Sơn Trà là nơi không tốn phí mua vé vào cửa (Ảnh: HC)
Tuy nhiên vấn đề dư luận quan ngại hiện nay là với lượng rất lớn khách quốc tế đến TP rất dễ xảy ra tình trạng hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép; các tổ chức, cá nhân người nước ngoài núp bóng thuê các cá nhân Việt Nam đứng tên để được cấp phép kinh doanh, còn mọi hoạt động điều hành quản lý thuộc về người nước ngoài nhưng các cơ quan chức năng chậm phát hiện, xử lý…
“Vấn đề này, một mặt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia (trong việc tuyên truyền, thuyết minh các điểm đến); một mặt có thể tạo ra các tour khép kín từ lữ hành đến khách sạn, ăn uống, mua sắm ở các cơ sở kinh doanh của người nước ngoài mà nếu không quản lý tốt dễ dấn đến thất thu!” – Đại biểu Nguyễn Thúy Mai, Phó giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng nhận định tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2019 (vừa diễn ra từ ngày 10 – 12/12).
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tình trạng nêu trên chính là hình thức hoạt động của loại hình tour giá rẻ. Trao đổi với PV Infonet ngày 17/12, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết, tour giá rẻ hay tour “0 đồng” là chiêu thức cạnh tranh bằng giá để thu hút khách của các công ty lữ hành. Khách có thể mua tour với giá 0 đồng hoặc giá tour chỉ là giá vé máy bay khứ hồi. Chương trình tour chủ yếu đi mua sắm và tham quan các điểm miễn phí hoặc có giá vé thấp, các bữa ăn có định mức thấp.
“Công ty lữ hành có nhiều cách để bù lỗ, thu được lợi nhuận thông qua việc nhận phí hoa hồng cao hoặc ăn chia doanh thu khi đưa khách đến cơ sở mua sắm và bán các option (dịch vụ ngoài tour). Hiện nay tour giá rẻ xuất hiện ở rất nhiều điểm đến trên thế giới như Nga, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Việt Nam và ngay cả ở Trung Quốc với thị trường chính là du khách Trung Quốc!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.
Bà cho biết, năm 2019, tổng lượt khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng ước đạt 3,5 triệu lượt (tăng 30%), trong đó khách Hàn Quốc ước đạt 1,7 triệu lượt (tăng 15%, chiếm tỉ lệ gần 50%), khách Trung Quốc ước đạt 700.000 lượt (tăng 26%, chiếm tỉ lệ 20%). Như vậy hai thị trường khách này chiếm 70% tổng lượng khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng năm 2019, với gần 2,5 triệu lượt.
Trong đó, Sở Du lịch Đà Nẵng xác định khách Trung Quốc đi tour giá rẻ là 616.000 lượt, chiếm 88% lượng khách Trung Quốc lưu trú tại Đà Nẵng. Đặc thù của thị trường này là khách phải được cấp thị thực vào Việt Nam và được một công ty lữ hành Việt Nam bảo lãnh. Khách Trung Quốc đi tour truyền thống (no-shopping) chiếm 12% tương đương 84.000 lượt.
Khách Hàn Quốc đi tour giá rẻ khoảng 357.000 lượt, chiếm 21% lượng khách Hàn Quốc lưu trú tại Đà Nẵng. Đặc thù của thị trường Hàn Quốc là khách được miễn thị thực nên lượng khách HQ đi tour truyền thống và đi lẻ rất lớn, ước 1,343 triệu lượt, chiếm 79% tổng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng (do được miễn visa, khách tự đặt dịch vụ không thông qua lữ hành).
“Như vậy tổng lượng khách đi tour giá rẻ của 2 thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc ước khoảng gần 1 triệu lượt trên tổng số 3,5 triệu lượt khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng trong năm 2019. Các thị trường khách quốc tế khác chỉ đi tour truyền thống (no – shopping) và đi lẻ!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.
Quản lý tour “0 đồng”: Bất cập từ… các quy định hiện hành!
Bà Hạnh cho biết, việc quản lý hoạt động của các tours giá rẻ hiện gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do luật Du lịch quy định rất thông thoáng về điều kiện kinh doanh lữ hành (không cần có 03 HDV cơ hữu như trước đây, không cần phương án kinh doanh lữ hành, không qua cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương thẩm định hồ sơ, thị trường, địa điểm kinh doanh, đại diện pháp luật).
Vì vậy, thực tế hiện nay số lượng doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế được thành lập mới rất nhiều (Đà Nẵng hiện có 253 DN lữ hành quốc tế, tăng 33 DN so với 2018). Đã xuất hiện nhiều trường hợp đối phó bằng cách thành lập DN và hoạt động ngắn hạn dưới 01 năm, sau đó giải thể và thành lập công ty mới, bỏ ngoài sổ sách kế toán các hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó, theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, quy định của Luật Xuất nhập cảnh về sử dụng lao động người nước ngoài cũng bộc lộ nhiều bất cập khi cho phép DN Việt Nam bảo lãnh người nước ngoài của công ty đối tác vào làm việc với DN và sử dụng thị thực DN (không quá 12 tháng). “Vô hình chung, quy định này đã gián tiếp tạo cơ hội cho người nước ngoài sau khi được bảo lãnh sẽ tổ chức kinh doanh lữ hành trái phép!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.
Ngoài ra cũng xuất hiện tình trạng người nước ngoài sử dụng thị thực DL (cấp cho khách du lịch trong 3 tháng) để vào Việt Nam tham gia hoạt động hướng dẫn, điều hành (trong khi nếu người nước ngoài muốn vào Việt Nam làm việc thì phải được cấp thị thực LĐ (2 năm) với yêu cầu phải là chuyên gia, chuyên viên, kỹ thuật viên có chứng chỉ hành nghề).
Và như các cơ quan chức năng đã cảnh báo, hiện có tình trạng một số công ty lữ hành Việt Nam cho người Trung Quốc, Hàn Quốc thuê tư cách pháp nhân để kinh doanh trái phép; người nước ngoài thuê người Việt đứng tên thành lập công ty lữ hành, mua khách sạn; thuê người Việt đứng tên, đặt văn phòng trong căn hộ chung cư hoặc ngoài địa bàn Đà Nẵng nên rất khó kiểm tra, quản lý.
Đồng thời qua kiểm tra, Sở Du lịch Đà Nẵng phát hiện có tình trạng người nước ngoài hoạt động kinh doanh du lịch trái phép trên địa bàn trực tiếp đàm phán giá với các khách sạn, nhà hàng… để ép giá; thanh toán dịch vụ bằng tiền mặt. Khách du lịch đi theo tour giá rẻ, đặc biệt là khách Trung Quốc, thì sử dụng ví điện tử trên ứng dụng thanh toán điện tử chưa được cấp phép tại Việt Nam để thanh toán giao dịch…
“Cùng với đó là tình trạng người nước ngoài kinh doanh lữ hành trái phép tại Đà Nẵng sử dụng tài khoản giao dịch ở nước ngoài thông qua mạng internet. Trong khi đó Việt Nam lại chưa có quy định pháp luật để quản lý thanh toán điện tử xuyên biên giới và biện pháp kỹ thuật để phát hiện giao dịch trái phép qua ứng dụng ví điện tử quốc tế và máy POS. Do đó chúng ta chưa thể có chế tài đối các hoạt động trái phép này!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.