Thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị các phương án chống dịch trong trạng thái mới. Thành phố cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn những điều kiện cần trong lúc tham gia các hoạt động kinh tế xã hội khi thành phố mở cửa trở lại.
Đà Nẵng cũng dự kiến áp dụng biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội theo cấp độ 2 (theo Chỉ thị số 19-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ) từ ngày 1 - 15/10, sau đó sẽ chuyển sang áp dụng cấp độ 1 theo khung hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phóng viên VOV thường trú khu vực miền Trung phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
PV: Hiện nay, TP Đà Nẵng đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Vậy sắp tới, thành phố sẽ thực hiện các bước trở lại bình thường mới như thế nào để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân mà vẫn đảm bảo hiệu quả an toàn phòng chống dịch Covid-19?
Ông Nguyễn Văn Quảng: Đến thời điểm này, đánh giá một cách tổng thể qua năng lực kiểm soát dịch bệnh, Đà Nẵng khẳng định đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Chúng tôi đã có các chủ trương về việc mở lại các hoạt động về đời sống an sinh cho người dân cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới trở lại cuộc sống bình thường mới.
Tuy nhiên, việc mở lại ở thời điểm nào, mức độ ra sao, hiện nay chúng tôi đang chờ hướng dẫn chính thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Khi có hướng dẫn chính thức, chúng tôi sẽ ban hành các quyết định, các hướng dẫn để thực hiện trên địa bàn thành phố một cách sớm nhất nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về việc kiểm soát dịch bệnh và trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh để quyết định các biện pháp và các hoạt động.
Thành phố sẽ thực hiện một cách triệt để các quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia về các biện pháp phòng chống dịch và việc mở lại các hoạt động trên địa bàn thành phố.
PV: Thành phố vừa tổ chức cuộc đối thoại với các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cùng bàn cách tháo gỡ vướng mắc, khôi phục sản xuất kinh doanh. Đà Nẵng cũng từng bước nới lỏng có kiểm soát các hoạt động kinh tế xã hội. Theo ông, Đà Nẵng sẽ thu được những kết quả như thế nào sau khi nới lỏng các hoạt động, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn?
Ông Nguyễn Văn Quảng: Mục tiêu và kết quả hướng tới là phải đưa cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất và tạo ra thu nhập cho người dân cũng là thu nhập cho cả thành phố. Đó là mục tiêu lớn nhất và cũng là hướng tới của thành phố trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, cần sự nỗ lực rất lớn của thành phố, của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, đề cao trách nhiệm tự chấp hành, sự đồng lòng chung sức của người dân và các doanh nghiệp trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Sự nỗ lực của doanh nghiệp cần thể hiện rõ trong quá trình thực hiện vừa sản xuất vừa chống dịch “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”. Còn đối với thành phố phải đảm bảo các điều kiện cơ bản.
Thứ nhất là vẫn phải có các kế hoạch xét nghiệm tầm soát. Thứ hai là phải đảm bảo đủ năng lực xử lý các ca F0 trong cộng đồng như khoanh vùng, truy vết, cách ly, đảm bảo các điều kiện về điều trị đối với bệnh nhân và đảm bảo năng lực điều trị từ sớm, từ xa như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố đảm bảo đẩy nhanh mức độ bao phủ vaccine.
Tất cả những điều kiện đó, thành phố đã, đang và sẽ đảm bảo một cách tốt nhất để hướng tới mục tiêu đưa cuộc sống người dân và doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới.
PV: Tại 2 Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp mới đây do Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức, vấn đề nổi bật mà các chủ doanh nghiệp mong muốn là thành phố tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa, kết nối giữa Đà Nẵng và các vùng miền. Thành phố có chủ trương như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Quảng: Việc này không chỉ của thành phố, mà đây là yêu cầu bức thiết trong phạm vi cả nước cũng như phạm vi quốc tế. Chính phủ cũng như Bộ Giao thông- Vận tải đã có những hướng dẫn rất cụ thể và đã có những chỉ đạo rất quyết liệt.
Về nguyên tắc, thành phố luôn tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa cũng như việc di chuyển của người dân, đặc biệt là việc di chuyển của người dân từ thành phố ra các địa phương khác và từ các địa phương khác vào thành phố. Thành phố Đà Nẵng chưa bao giờ tạo ra rào cản nào để hạn chế về việc này.
Thành phố luôn tạo điều kiện một cách tốt nhất cho việc lưu thông hàng hóa. Ví dụ như cảng đã được hoạt động thuận lợi nhất, các phương tiện ra vào thành phố chỉ kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mang mầm bệnh vào địa phương và thành phố đã bỏ ra một lượng kinh phí lớn để test nhanh cho lái xe.
Tới đây, chúng tôi tiếp tục kiểm soát hoạt động này bằng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR cho người ra vào thành phố. Mục tiêu là kiểm soát người chứ không phải kiểm soát phương tiện và hàng hóa. Hàng hóa sẽ được lưu thông một cách bình thường, trừ hàng hóa cấm, còn không phân biệt là hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu.
Một lần nữa, tôi xin khẳng định là Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông hàng hóa ra vào thành phố. Tuy nhiên, việc này cần có sự phối hợp và sự thống nhất chung của các địa phương. Các địa phương cùng thống nhất các biện pháp, thành phố sẵn sàng tạo các điều kiện thuận lợi cho các địa phương lân cận.
Ví dụ như Quảng Nam, hàng hóa, con người vào đây, chúng tôi sẽ có luồng riêng cho người Quảng Nam, cho hàng hóa Quảng Nam. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã làm rất tốt sự phối hợp giữa một số địa phương. Trong đó, thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam thường xuyên trao đổi, phối hợp chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân sớm thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
PV: Xin cảm ơn ông.