Theo đó, cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực thời gian qua vẫn còn chưa tương xứng, chưa sát kế hoạch phát triển KT-XH của TP Đà Nẵng và quy hoạch chung đã được phê duyệt. Trong giai đoạn 2003 – 2014, phần lớn nguồn lực đầu tư cho khai thác quỹ đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư (TĐC - chiếm hơn 45% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển); tiếp đến là lĩnh vực giao thông công chính (chiếm gần 20% tổng nguồn vốn). Do vậy, các lĩnh vực khác như văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục… tỉ lệ đầu tư còn thấp.
Số lô đất trống (chưa xây dựng nhà ở) trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) vẫn còn với số lượng rất lớn (Ảnh: HC)
|
"Hơn nữa, do việc bố trí TĐC cho các hộ giải tỏa tại nhiều dự án còn bị động, các hộ TĐC nhiều khi không đồng tình về vị trí được bố trí, gây áp lực tạo quỹ đất TĐC nên dẫn đến tình trạng quỹ đất TĐC trên địa bàn hiện dôi dư rất nhiều (đến cuối quý 1/2018, TP còn 14.589 lô đất TĐC chưa bố trí).
Số lô đất trống (chưa xây dựng nhà ở) vẫn còn với số lượng rất lớn; hơn 100ha đất nông nghiệp mất khả năng sản xuất do ảnh hưởng bởi các dự án, dẫn tới tình trạng đất bỏ hoang còn nông dân thì mất việc” – Báo cáo 24/BC-HĐND của HĐND TP Đà Nẵng nêu.
Cũng theo báo cáo này, phần lớn dự án TĐC chưa đảm bảo các tiêu chí về sử dụng đất, chủ yếu tập trung tối đa cho nhiệm vụ phân lô đất ở, còn các chỉ tiêu đất dành cho cây xanh, công trình giao thông, thiết chế văn hóa, tiện ích công cộng… chưa đúng quy chuẩn hiện hành.
Một số khu đất TĐC hình thành trong điều kiện áp lực về nợ đất TĐC, cùng với nguồn vốn có hạn nên chưa tính hết đến việc khớp nối đồng bộ quy hoạch hạ tầng, thoát nước tại khu vực, nhất là các khu TĐC ở khu vực Hòa Vang.
Đất bỏ hoang cho bò gặm cỏ... (Ảnh: HC) |
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh thêm, một số đồ án, dự án trên địa bàn chưa tuân thủ quy hoạch, trong quá trình triển khai thực hiện đã điều chỉnh nhiều lần làm tác động tiêu cực đến chiến lược phát triển KT-XH và mục tiêu quy hoạch đã đề ra, gây áp lực lớn lên hạ tầng đô thị, nhất là khả năng cung ứng về giao thông, cấp thoát nước, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, xử lý ô nhiễm môi trường, cảnh quan đô thị.
“Một số đồ án đã quy hoạch nhưng chưa xây dựng được phương án đầu tư khả thi, tổ chức thực hiện chậm. Tỉ lệ đồ án sau phê duyệt phải điều chỉnh bình quân 43,8%. Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, một số dự án ven biển là điển hình về thiếu nhất quán trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch hàng chục lần. Các cụm công nghiệp đã quy hoạch, được HĐND TP đôn đốc triển khai nhiều năm nhưng chưa có phương án khả thi để thực hiện; các khu công nghiệp vừa mới phê duyệt quy hoạch nhưng lại phải điều chỉnh!” – Báo cáo 24/BC-HĐND cho hay.
... trong khi người nông dân mất việc do đất nông nghiệp mất khả năng sản xuất! (Ảnh: HC) |
Ông Nguyễn Nho Trung cũng cho biết, qua giám sát chuyên đề, HĐND TP Đà Nẵng đã chỉ rõ nhiều công trình được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị động trong việc bố trí đất đai. Việc chọn địa điểm mới cho các công trình còn thực hiện theo cách thức xử lý tình huống, chưa có kế hoạch lâu dài, chỉ khi nào phát sinh yêu cầu cấp thiết mới tìm địa điểm.
“Điển hình như quy hoạch, đầu tư tư các bãi đỗ xe hết sức bức xúc, đã có ý kiến rất nhiều nhưng khi thực hiện thì không có quỹ đất để xây dựng; hay một số trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ mẫu giáo, chợ… cần đầu tư cũng lâm vào tình trạng tương tự!” – Ông Nguyễn Nho Trung cho hay.
Bên cạnh đó, kết quả giám sát chuyên đề về đầu tư công của HĐND TP Đà Nẵng cũng cho thấy, trên địa bàn có nhiều dự án dở dang kéo dài nhiều năm mà nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất là do công tác giải tỏa bàn giao mặt bằng kéo dài, thậm chí có những dự án, các tuyến đường chỉ vướng một vài hộ nhưng không giải tỏa được làm ảnh hưởng tiến độ, không kết nối giao thông, chậm đưa công trình vào sử dụng, hiệu quả KT-XH khu vực bị hạn chế. Tính dến tháng 6/2018, toàn TP còn 267 dự án dở dang liên quan đến công tác giải tỏa đền bù.